1. Vợ mắc Covid-19 ngay trước kỳ sinh nở, anh Nguyễn Duy Tiên (sinh năm 1977) lòng như lửa đốt.

Thất nghiệp vì dịch bệnh, gia đình nheo nhóc, anh Tiên bắt đầu xuất hiện những con đau.  Anh là lao động tự do, vợ anh - Bùi Thị Vinh làm công nhân, sinh sống tại quận 12, TP.HCM. Họ là những người Quảng Nam mưu sinh ở đất khách như hàng triệu người khác.

{keywords}
Anh Tiên trong phòng trọ tại quận 12, TP.HCM 

Vợ có chỉ định mổ bắt con ngày 4/9 vì bệnh Covid-19 trở nặng. Rối bời, anh chỉ biết đặt hy vọng vào bác sĩ. Anh ở nhà thấp thỏm, vừa chăm con, vừa ngóng tin vợ.

“Tối đó, vừa cho 2 con uống sữa xong, tôi nhận điện thoại của bệnh viện. Vợ mất rồi! Tôi hỏi đi hỏi lại, có thật không", anh Tiên vĩnh viễn không quên cuộc gọi định mệnh ngày 16/9.

Bé Vy - vừa chào đời trong khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Hùng Vương, nay mồ côi mẹ.

Mảnh đất này nuôi nấng gia đình anh, nhưng cũng là nơi đau thương sau cơn bão Covid-19. Không thể trụ lại, anh đưa 2 con (sinh năm 2009 và 2013) và tro cốt của vợ về quê nhà Quảng Nam, rau cháo hơn 2 tháng qua. Bất đắc dĩ, anh phải gửi lại bé út vừa cho người thân nuôi nấng.

“Không biết lấy gì nuôi con. Ngày xưa còn vợ, còn việc. Bây giờ, đầu óc tôi đau cuồng, không tỉnh táo nữa. Khám bệnh ở Khoa Tâm Thần, Bệnh viện Quảng Nam suốt nhưng cũng chưa cải thiện. Mấy tuần qua, muốn đưa các con vào TP.HCM, nhưng chỉ sợ đêm hôm, mình làm sao, các con ai nuôi nấng”, anh Tiên ngậm ngùi.

Hôm nay, anh nghe tin TP.HCM tưởng niệm hơn 17.000 người đã tử vong trong đại dịch Covid-19. Từ quê nhà Quảng Nam, anh thắp một nén tâm nhang.

{keywords}
Gia đình anh Nguyễn Duy Tiên sau đại dịch.

2. Ba đứa trẻ, đứa nhỏ nhất 4 tuổi, được gọi chung là trẻ mồ côi. Ông bà, cha mẹ của các bé đều lần lượt qua đời vì Covid-19. Người mẹ mới 28 tuổi, cha 30 tuổi. Các bé chỉ còn người cậu là anh Trần Văn Thời (huyện Hóc Môn, TP.HCM) là nơi nương tựa cuối cùng.

“Tôi sợ nếu một ngày mình có kết quả dương tính, các cháu tôi khó có cuộc sống an lành. Đừng nghĩ trẻ con không biết đau, thằng Út bốn tuổi thường giật mình khóc nửa đêm đòi mẹ”, anh Thời chia sẻ.

Nghe người lớn nói chuyện về lễ tưởng niệm, 3 đứa trẻ đòi cậu Thời mua nến để thắp cho ông bà, cha mẹ. Anh Thời mong mỏi, chúng sẽ hiểu được mọi người luôn quan tâm, yêu thương mình. Và tin rằng, không ai lãng quên cha mẹ của bọn trẻ.

“Tôi mong muốn tất cả trẻ em không may mất cha, mẹ, người thân vì Covid-19, sẽ vẫn có được giấc ngủ ngon trong những vòng tay nhân ái khác”.

Chỉ có tình thương, mới giúp các bé phần nào đỡ thiệt thòi với thân phận trẻ mồ côi.

3. Chị Trần Thị Long Phụng (Phòng Công tác xã hội) Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sẽ không quên hình ảnh một cụ ông trong bộ comple đẹp nhất chị từng gặp.

Đó là một bệnh nhân đã hơn 90 tuổi tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 nơi chị công tác. Cụ được tiên lượng tử vong gần vì tình trạng quá nặng, can thiệp không thành công.

Các bác sĩ gọi điện đến gia đình, giải thích tình hình. Chị Phụng đợi đến lúc gia đình phần nào chấp nhận sự thật, mới gọi điện đến để động viên và hỏi thăm tâm nguyện.

{keywords}
Góc tưởng niệm đơn sơ tại Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

“Gia đình xin gửi vào 1 bộ comple mà ông cụ thích nhất. Vì trước đây, cụ luôn dặn phải mặc đúng bộ đồ đó lúc qua đời.

Bệnh nhân khi đó nằm hôn mê, các anh chị điều dưỡng cố hết sức mặc cho cụ, dù không dễ xoay trở. Cụ mặc comple, đeo cà-vạt nữa, đẹp lắm, không giống như người bệnh. Rồi chúng tôi chụp lại hình ảnh ý nghĩa đó”, chị Phụng nhớ lại.

Ba ngày sau khi cụ mất, gia đình làm cơm cúng, cũng là lúc nhận được di ảnh từ bệnh viện gửi về. “Họ nghẹn ngào lắm. Vì di nguyện đã hoàn thành, chắc ông ra đi đã rất thanh thản!”, chị Phụng kể. 

Những hình ảnh mà chị Phụng lưu giữ và gửi về gia đình, là điều vô giá. Bởi trong 24.000 đồng bào đã mất vì Covid-19, có vô vàn người ra đi trong cô độc, không người thân kề cận phút cuối đời.

Đại dịch đã để lại những xót xa, mất mát không thể bù đắp. Lễ tưởng niệm tối nay, phần nào xoa dịu nỗi đau ấy, để người còn sống có thể tiếp tục sống vì những người đã mất.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Linh Giao

Tưởng niệm hơn 23 ngàn người mất vì Covid-19

Tưởng niệm hơn 23 ngàn người mất vì Covid-19

“Covid-19 đã cướp đi ba mẹ tôi, giờ nhà chỉ còn mình tôi với nỗi nhớ khôn nguôi”, chị Thảo tâm sự. Hôm nay, cả nước sẽ tưởng niệm hơn 23 ngàn người mất vì Covid -19, trong đó có ba mẹ chị Thảo.