Các vấn đề về sức khỏe của con gái tuổi dậy thì luôn cần được quan tâm đúng mực. Bác sỹ chuyên khoa I Phan Thị Hiền Thu - BS Dinh Dưỡng TP.HCM đã chia sẻ với các bà mẹ có con gái về vấn đề này.

Hà Hồng, Quận 9

Thưa bác sỹ, con gái lớn của tôi đang học giữa kì của lớp 12 không biết có phải do cháu học hành căng thẳng hay không mà nó thường cáu bẳn, da dẻ xanh xao và thường hay mệt mỏi, đặc biệt vào các ngày đèn đỏ. Cháu hay bỏ bữa khiến tôi rất lo lắng, vì ở trong độ tuổi đang lớn và đang học năm cuối cấp cần phải bổ sung chất đầy đủ. Nhờ bác sỹ tư vấn cho tối biết, con gái tôi đang gặp vấn đề gì về tâm lý hay sức khỏe?Làm sao để khắc phục tình trạng này thưa bác sỹ?

BS Hiền Thu: Cháu đang học lớp 12 nên chắc chắn việc học tập sẽ có ít nhiều căng thẳng, thêm nữa tuổi đang lớn lại càng cần nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, chị nhận thấy khi tới tháng thì cháu kém tập trung và mệt mỏi hơn, thể hiện rõ cháu có tình trạng thiếu máu, nên đến chu kỳ kinh nguyệt bị mất máu thêm trong chu kỳ (0,5 - 2 mg sắt nguyên tố một ngày) sẽ càng làm cháu mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt và khó tập trung; điều này cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý, khiến cháu hay cáu bẳn.

Khắc phục tình trạng này, chị hãy nấu các món ăn giàu chất sắt như: tim, cật, huyết; các loại thịt gia súc gia cầm như thịt bò, thịt dê, thịt chim bồ câu, thịt heo....

Ở tuổi của cháu, dù việc học hành bận rộn, chị khuyên cháu không nên bỏ bữa, ăn đủ 3 bữa chính và 2 bữa phụ; ăn đủ 4 nhóm và đa dạng thực phẩm để tránh tình trạng thiếu máu thiếu sắt, đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển về thể chất, cung cấp đủ năng lượng cho học tập.

Lưu ý là chất sắt sẽ được hấp thu tối đa trong bữa ăn có vitamin C, protein động vật, các acid hữu cơ trong trái cây và rau củ. Không nên dùng những thực phẩm làm giảm hấp thu chất sắt trong bữa ăn như trà, cà phê. Ngoài ra ở độ tuổi của cháu nên uống bổ sung viên sắt mỗi tuần / lần, trong 3 tháng liên tục, ngưng 3 tháng rồi lặp lại.

{keywords}

Thu Trang, 39 tuổi

Con gái tôi hay bị chóng mặt, đặc biệt là khi nằm xuống giường có cảm giác chóng quay mặt mũi. Tôi cho con uống viên bổ sung sắt nhưng đi ngoài phân có màu xanh xanh đen đen. Xin hỏi bác sỹ như vậy có phải do con gái tôi không hấp thu được sắt không? Tôi phải giúp cháu bổ sung sắt như thế nào cho đúng cách? Cảm ơn bác sỹ!

BS Hiền Thu: Trong khi uống thuốc bổ sung sắt, đi ngoài phân có màu xanh đen là dấu hiệu thường gặp do màu của chất sắt, sau khi ngưng uống thuốc là hết, không phải là dấu hiệu không hấp thu được chất sắt.Trong quá trình uống sắt, đôi khi gặp các tác dụng phụ thông thường như táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng hoặc khó chịu vùng dạ dày... Tuy nhiên các chế phẩm chứa sắt dạng muối hữu cơ fumarate sẽ giúp cơ thể hấp thu tốt hơn và hạn chế tác dụng phụ này.

Để bổ sung sắt đúng cách, bạn nên cho cháu uống trước bữa ăn 30 phút hoặc sau ăn một giờ đồng hồ.

Mẹ của Linh

Hiện con gái tôi mới 15 tuổi, cháu vừa có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, tôi nghe nhiều về bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở nữ giới khi các cháu vào tuổi dậy thì. Tôi có nên mua viên bổ sung sắt cho cháu uống ở độ tuổi này hay không? Lượng uống mỗi ngày như thế nào, uống trong bao nhiêu ngày, nên uống sắt trước kỳ kinh hay là trong kỳ kinh.Cảm ơn bác sĩ tư vấn.

BS Hiền Thu: Nữ giới trong độ tuổi 15-49 cần được bổ sung sắt (60 mg sắt nguyên tố và 2.800 mcg acid folic) hàng tuần, 3 tháng liên tiếp, sau đó ngưng 3 tháng, nếu có điều kiện thì lập lại suốt năm. Nếu trường hợp hay quên cũng có thể uống 5 - 7 ngày trong chu kỳ kinh nguyệt để giúp tránh mất máu hàng tháng.

Ngoài ra, một số đối tượng sau cũng cần lưu ý có khả năng bị thiếu máu do thiếu sắt:

- Người có bệnh lý phải điều trị bằng thuốc kháng acid, thiếu kiềm, hoặc đang trong tình trạng bệnh lý làm thiếu acid dịch vị, cắt một phần dạ dày.

- Người ăn chay trường.

- Người có hoạt động thể lực tích cực thường xuyên (nhu cầu sắt của những người này có thể cao hơn 30-70% so với những người không thường xuyên tham gia các hoạt động thể lực.

- Người bị nhiễm ký sinh trùng: giun, sán...

Nguyên, Q. Tân Bình

Con gái tôi năm nay 24 tuổi vừa lập gia đình và mong muốn có con. Con tôi ăn chay trường và đã kéo dài được 3 năm, tôi đọc được nhiều thông tin vì ăn chay, phụ nữ dễ bị thiếu máu do thiếu sắt điều này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Xin bác sỹ cho tôi biết thông tin này có đúng không?

BS Hiền Thu: Khi ăn chay kéo dài đúng là dễ bị thiếu máu do thiếu sắt vì chất sắt bổ máu có nhiều trong các thực phẩm động vật hơn là thực vật. Hơn nữa sắt hem (có trong nguồn gốc động vật) dễ hấp thu hơn sắt non hem (có nguồn gốc từ thực vật). Vì vậy nhu cầu về sắt ở người ăn chay cao gấp 1,8 lần so với người ăn mặn bình thường.

Người ăn chay trường dễ bị thiếu máu do thiếu vitamin B12, loại thiếu máu làm hồng cầu to, vì vitamin này chỉ có trong động vật, không có trong bất cứ thực phẩm thực vật nào.

Khi người mẹ mang thai bị thiếu máu gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản... Con sẽ bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy dinh dưỡng từ trong bào thai. Em bé sinh ra sẽ có dự trữ sắt thấp, dễ biếng ăn và chậm phát triển…

{keywords}
{keywords}
Thu Hằng