“Chúng ta chưa biết gì nhiều về biến thể này. Những gì chúng ta biết là nó có một số lượng lớn các đột biến, và rằng khi có nhiều đột biến như thế, nó có thể có tác động lớn đến biểu hiện của virus" - trích lời TS. Maria Van Kerkhove, Giám đốc Kỹ thuật của WHO phát biểu trong buổi livestream trên các kênh truyền thông của tổ chức này. 

Chỉ mới 15 ngày từ lần đầu tiên biến thể B.1.1.529 (biến thể Omicron) được ghi nhận qua giải trình tự gen, chúng ta đã thấy biến thể này lan rộng tại châu Phi, đẩy số ca tăng nhanh đến kỷ lục và làm cho tất cả các nhà khoa học trên thế giới phải quan ngại vì mức độ nguy hiểm.

WHO cũng đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong ngày thứ sáu, 26/11 để thảo luận trực tiếp về biến thể này. Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu xem vì sao biến thể B.1.1.529 đáng quan ngại đến như vậy, và liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn sự xuất hiện và lan rộng của chúng tại Việt Nam.

{keywords}
Nguồn ảnh: Brain Light/Alarmy

Các đột biến trên biến thể B.1.1.529 và ảnh hưởng của chúng

Các nhà khoa học tại Nam Phi đã phát hiện được hơn 30 đột biến khác nhau trên protein gai, phần gắn nó với các tế bào của cơ thể, của virus. Danh sách các đột biến được ghi nhận (có thể chưa hoàn chỉnh) bao gồm:

Đột biến bảo tồn trên gai (Conserved Spike mutations): A67V, Δ69-70, T95I, G142D/Δ143-145, Δ211/L212I, ins214EPE, G339D, S371L, S373P, S375F, K417N, N440K, G446S, S477N, T478K, E484A, Q493K, G496S, Q498R, N501Y, Y505H, T547K, D614G, H655Y, N679K, P681H, N764K, D796Y, N856K, Q954H, N969K, L981F;

Đột biến bảo tồn không nằm trên gai (Conserved non-spike mutations): NSP3 – K38R, V1069I, Δ1265/L1266I, A1892T; NSP4 – T492I; NSP5 – P132H; NSP6 – Δ105-107, A189V; NSP12 – P323L; NSP14 – I42V; E – T9I; M – D3G, Q19E, A63T; N – P13L, Δ31-33, R203K, G204R.

Trong đó, rất nhiều những đột biến trên gai không phải là đột biến thường thấy, chẳng hạn như N856K, Q954H, N969K hay L918F đều là những đột biến mới được ghi nhận trên chưa đến 100 mẫu bệnh phẩm trên toàn thế giới, hay các đột biến như Q493K và Y505H đã từng được thu thập từ mẫu nước thải ở New York, nhưng vẫn cực kì hiếm trên các mẫu bệnh phẩm của người (dưới 200 mẫu trên toàn thế giới). 

Những ảnh hưởng tiềm tàng của các đột biến kể trên với biểu hiện của biến chủng có thể kể đến như sau:

- Nhiều đột biến trên vùng RBD (receptor binding domain - vùng liên kết thụ thể) và NTD (N-Terminal Domain - miền đầu N) có khả năng kháng các kháng thể trung hoà (và/hoặc liệu pháp trị liệu bằng kháng thể đơn dòng);

- Cụm đột biến H655Y+N679K+P681H liền kề với vị trí cắt của furin (furin cleavage site) có thể giúp xâm nhập tế bào hiệu quả hơn, làm tăng khả năng lây nhiễm;

- Đột biến mất nsp6 (Δ105-107), tương tự với đột biến mất trên các biến chủng Alpha, Beta, Gamma, Lambda có thể liên quan đến sự trốn tránh hệ thống miễn dịch bẩm sinh (đối kháng interferon), cũng có thể gia tăng khả năng lây nhiễm;

- Các đột biến R203K+G204R ở nucleocapsid, đã được tìm thấy ở các biến chủng Alpha, Gamma và Lambda, có thể gia tăng sự lây nhiễm;

- Đột biến NSP4-T492I tương tự với đột biến ORF1b:T2163I trên chủng AY.43 tại Chile gần đây cho phép virus có khả năng siêu lây nhiễm.

Nhiều nhà virus học trên thế giới đồng ý rằng, nếu cả thế giới đang không phải đối mặt với đại dịch Covid-19, chỉ riêng biến thể này có thể được định nghĩa là một dòng mới chứ không chỉ là một biến thể đơn thuần.

Ảnh hưởng về dịch tễ

Mặc dù vẫn còn quá sớm để tính toán chính xác khả năng lây truyền, chúng ta vẫn thấy được biến thể này đang lây lan rất nhanh tại Nam Phi. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, biến thể này đã chiếm đến 75% tổng số mẫu bệnh phẩm được giải trình tự, trực tiếp xoá sổ làn sóng dịch do chủng Delta gây ra từ tháng 2/2021 đến nay. Chỉ tính riêng trong ngày 23/11, Nam Phi ghi nhận gần 19.000 ca nhiễm, gấp 20 lần so với 3 ngày trước đó. 

{keywords}
Số ca nhiễm và khỏi bệnh theo ngày tại Nam Phi (Nguồn: CoronaTracker)

Một điểm lạc quan là biến thể Omicron có thể được phát hiện bởi test RT-PCR mà không cần đến giải trình tự vì B.1.1.529 có đột biến trên gene S tại vị trí 69-70, tương tự như với biến thể Alpha. Điều đó cho phép tất cả các nước cùng theo dõi và chuẩn bị ngay khi biến thể này bắt đầu xuất hiện. Đây cũng là điểm tốt duy nhất cho đến nay.

Nhờ vào đặc điểm này, các nhà khoa học tại CERI (Viện Sáng chế và Ứng phó dịch bệnh Nam Phi) đã ước tính được ít nhất 90% số ca ghi nhận tại tỉnh Gauteng thuộc biến thể này, tức là ở mức hơn 1000 ca/ngày. Con số này đang ngày càng cao và gia tăng đột biến tại tất cả các khu vực của Nam Phi. 

Tại Tshwane (thuộc tỉnh Guateng, Nam Phi), tình hình đang trở nên tồi tệ đi nhanh chóng khi tỷ lệ dương tính với biến chủng mới trên tổng số mẫu tăng chóng mặt từ 1% lên hơn 30% chỉ sau 2 tuần.

Các biện pháp đã được thực thi

Bất chấp những đề nghị từ WHO, các nước châu Âu và Anh vẫn áp đặt những hạn chế đi lại lên một số nước châu Phi, trong đó có Nam Phi. Trong phát biểu của mình, Giám đốc Cao uỷ Châu Âu Ursula von der Leyen đã nói “Liên minh Châu Âu, bằng việc phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên, sẽ đề xuất kích hoạt một cơ chế khẩn cấp để ngăn chặn di chuyển bằng đường hàng không từ khu vực Nam Phi do biến thể mới đáng quan ngại B.1.1.529.”

Trong khi đó, Vương quốc Anh đã đưa 6 nước bao gồm Nam Phi, Namibia, Lethoso, Eswatini và Zimbabwe vào danh sách đỏ, tức là từ 12h đêm thứ sáu, mọi chuyến bay từ các quốc gia này sẽ bị ngừng cho đến 4h sáng chủ nhật, 28/11. Singapore cũng đã từ chối nhập cảnh với các khách du lịch ngắn hạn và những người có visa học tập/làm việc dài hạn có lịch sử di chuyển qua các nước trên trong vòng 14 ngày.

Tuy nhiên, hạn chế đi lại, dù là biện pháp cực đoan nhất, vẫn không phải là biện pháp mang tính lâu dài. Gần đây nhất, các quốc gia tại các châu lục khác nhau đã bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, bao gồm 1 ca tại Vương quốc Bỉ, 1 ca tại Israel và 4 ca tại Hong Kong.

Vậy, chúng ta cần phải làm gì?

Trước nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào lãnh thổ Việt Nam, chúng ta phải có những bước chuẩn bị thật kỹ, bao gồm:

- Biện pháp tạm thời: Hạn chế nhập cảnh với các nước có biến chủng đang lưu hành/có vị trí địa lý liền kề, bao gồm: Botswana, Eswatini, Lethoso, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Hong Kong, Bỉ, Israel. Tiếp tục theo dõi và bổ sung vào danh sách trên nếu cần thiết. Những biện pháp này nên được duy trì đến khi chúng ta có đầy đủ hiểu biết về biến chủng này và ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin, hoặc hệ thống y tế đã đủ sẵn sàng đón một đợt bùng phát mới;

- Xây dựng hệ thống tầm soát các biến chủng lưu hành bằng cách giải trình tự gen hoặc thực hiện TaqPath ngẫu nhiên các mẫu bệnh phẩm được thu thập, kể cả với các mẫu bệnh phẩm trong nước hoặc nhập cảnh; 

- Xây dựng chiến lược tiêm chủng toàn dân để phủ vắc xin an toàn trong thời gian ngắn nhất, tiến tới tiêm mũi 3 cho các đối tượng có nguy cơ, bao gồm người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, bệnh nền, đặc biệt là những người đã tiêm 2 mũi vắc xin ngoài hai loại mARN được cấp phép.

- Củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở, gia tăng năng lực lấy mẫu cũng như năng lực xét nghiệm realtime RT-PCR để có thể trả kết quả trong vòng 24h từ khi lấy mẫu;

- Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K

- Phát triển các loại vắc xin để có thể gia tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể này. Về lý thuyết, sự kết hợp của nhiều đột biến trên protein gai sẽ làm giảm đáng kể hiệu lực của những loại vắc xin hiện tại, và Delta đã cho chúng ta thấy điều đó. Như vậy, mặc dù không bị vô hiệu hoá hoàn toàn, khả năng bảo vệ chúng ta khỏi biến thể này sẽ thấp một cách đáng kể.

Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về cơ chế cũng như tác động của biến thể này đến diễn tiến của dịch bệnh, chúng ta phải luôn cảnh giác trước mọi nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào đất nước, một lần nữa đặt gánh nặng khủng khiếp lên hệ thống y tế mỏng manh vẫn đang trong quá trình hồi phục.

Đối mặt với một đợt dịch gây ra do chủng Delta đã mang đến cho chúng ta quá nhiều tổn thất về nhân lực, vật lực, tinh thần, và chúng ta tuyệt đối không thể để điều đó xảy ra một lần nữa, xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực tiêm chủng vắc xin trong thời gian vừa qua. 

Nguyễn Thu Anh, Ngô Hoàng Anh

(Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam)

Cần 2 tuần đánh giá hiệu quả của vắc xin với biến thể lạ Omicron

Cần 2 tuần đánh giá hiệu quả của vắc xin với biến thể lạ Omicron

Hãng dược BioNtech cho biết cần 2 tuần để xác định hiệu quả của vắc xin Covid-19 chống lại biến thể Omicron mới xuất hiện ở Nam Phi.