Chị Thu Ngân ở Ba Đình, Hà Nội cho biết, con gái lớn của chị được chẩn đoán mắc cúm A, trong đơn thuốc bác sĩ kê có thuốc Tamiflu, nhưng chị đã đi hỏi 3 nhà thuốc đều không có hàng. Sau đó chị phải đặt hàng online trên mạng với giá 1,84 triệu đồng/vỉ 10 viên vì họ không bán lẻ.

May mắn hơn, anh Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm mua được thuốc Tamiflu trên đường Hoàng Hoa Thám với giá 140.000 đồng/viên. Nhân viên tại tiệm thuốc này cho biết, trong 1-2 tuần tới, giá thuốc này sẽ còn lên nữa.

Theo bảng giá kê khai tại cục Quản lý Dược, giá thuốc Tamiflu 75mg có giá gần 45.000 đồng/viên, tương đương 450.000 đồng/vỉ 10 viên.

{keywords}

Tamiflu đang bị khan hàng tại nhiều hiệu thuốc và ngay tại các BV nên bị đẩy giá lên cao

Theo báo cáo của các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, vài tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập viện vì cúm A có xu hướng tăng, đặc biệt là người già và trẻ em.

Tại BV Nhi TƯ, hiện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ khác nhau. Trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận 100- 130 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện nghi ngờ cúm.

Tuy nhiên lãnh đạo bệnh viện cho biết, lượng thuốc Tamiflu tại kho cũng không còn nhiều nên đã có văn bản báo cáo cục Quản lý Dược.

Cục Quản lý Dược cho biết, thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, không thuộc diện phải kiểm soát đặc biệt nên được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Đỗ Văn Đông khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Thuốc này cũng chỉ có tác dụng khi phát hiện bệnh sớm trong vòng 24-48h, từ ngày thứ 3 trở đi không hiệu quả, người dân không nên lạm dụng.

Hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng.

Bệnh cúm chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2, H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho.

Do đó, để phòng bệnh, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi

Thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir không thay thế cho việc tiêm vắc xin phòng cúm. Do đó, hằng năm người dân nên tiêm vắc xin phòng cúm mùa để chủ động phòng cúm.

 

Thúy Hạnh

Bệnh nhi 27 tháng tử vong do cúm A/H1N1

Bệnh nhi 27 tháng tử vong do cúm A/H1N1

Bệnh nhi được xác định dương tính với cúm A/H1N1 sau thời gian sốt cao, ho nhiều và tử vong sau thời gian biến chứng viêm phổi nặng.