Khi mang thai ở tuần thứ 36, chị Nguyễn Thị N. (sinh năm 1981) phải nhập viện gấp vì tiểu cầu chỉ còn 5 G/L, trong khi giới hạn bình thường là 150 – 400 G/L. Chị N. mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, trước đó từng nhập viện nhiều lần do thiếu máu và giảm tiểu cầu.

Bác sĩ cho biết, tiểu cầu giảm sâu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… Phụ nữ mang thai bị tiểu cầu giảm sâu còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu máu nuôi dưỡng thai nhi, đe dọa tính mạng em bé.

“Những trường hợp tương tự như sản phụ N. thường phải mổ chủ động vì tiểu cầu thấp, nếu sinh tự nhiên sẽ cực kỳ nguy hiểm. Sản phụ có nguy cơ chảy máu khó cầm nên trước, trong và sau quá trình mổ lấy thai, sản phụ sẽ cần truyền một số lượng lớn chế phẩm máu”, BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ.

Sau một số ngày “cầm cự”, chị N. được chỉ định mổ lấy thai gấp. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương kịp thời huy động hàng chục đơn vị tiểu cầu, giúp sản phụ vượt cạn thành công. Đến nay, em bé đã được 4 tháng tuổi, sức khỏe của cả 2 mẹ con đều ổn định.

Chị N. là một trong số rất nhiều người bệnh vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhờ được truyền tiểu cầu.

{keywords}
Mẹ con chị N. đã vượt qua giai đoạn nguy kịch nhờ được truyền tiểu cầu kịp thời - Ảnh: T.Hằng

Chia sẻ tại Chương trình Gặp mặt người hiến tiểu tiêu biểu giai đoạn 2018 – 2020 diễn ra ngày 26/12, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thông tin, trước đây, để có được tiểu cầu, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 - 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường.

Tuy nhiên, loại chế phẩm này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, người ta đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.

Khi gạn tách tiểu cầu, thành phần khác trong máu như bạch cầu, tế bào gốc sẽ được lọc và trả lại cho người hiến. Lượng tiểu cầu trong một lần gạn tách từ một người hiến tương đương 10 đơn vị máu toàn phần, rất có lợi cho công tác cấp cứu.

Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu nói trên đã được triển khai từ năm 2000 với số đơn vị tiểu cầu gạn tách trong 10 năm đầu là 11.337 đơn vị.

10 năm trở lại đây (giai đoạn 2010 – 2020), con số này lên tới 222.187 đơn vị, tăng gấp 20 lần giai đoạn trước đó và tiếp tục có xu hướng tăng.

{keywords}
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương - Ảnh: N.Liên

Tiến sĩ Khánh cho biết, đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện nhu cầu hiến tiểu cầu của người dân ngày càng cao.

“Những người hiến tiểu cầu thường xuyên sẽ góp phần đem đến những chế phẩm máu an toàn nhất vì họ luôn biết tự giám sát, đảm bảo cho máu an toàn. Mặt khác, việc hiến máu, hiến tiểu cầu thường xuyên cũng góp phần giúp Viện giảm tải, tiết kiệm thời gian trong các quy trình vận động, tổ chức tiếp nhận, xét nghiệm, điều chế các chế phẩm máu”, ông Khánh nhấn mạnh.

Tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan đến những rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng nề, liên quan tới tính mạng....

Khối tiểu cầu là loại chế phẩm máu rất đặc biệt, được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 – 5 ngày).

Trên thực tế, có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng cần truyền tiểu cầu, như: xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…

Tại chương trình Chương trình Gặp mặt người hiến tiểu tiêu biểu giai đoạn 2018 – 2020, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tôn vinh hơn 80 gương mặt hiến tiểu cầu tiêu biểu, đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên.

Nguyễn Liên

Bác sĩ hiến máu hiếm cứu mẹ con sản phụ khỏi nguy kịch

Bác sĩ hiến máu hiếm cứu mẹ con sản phụ khỏi nguy kịch

Chị Y. phải nhập viện cấp cứu vì bị sốt xuất huyết nặng khi đang ở tuần 35 thai kỳ. Các bác sĩ ở Quảng Bình đã kịp thời hiến những giọt máu hiếm, cứu mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch.