Gần 12h ngày 10/12, chị Hoa mới vội vã đến Học viện Quân y đăng ký trở thành tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax ngừa Covid-19 do công ty Nanogen sản xuất.

Chị Hoa, 30 tuổi sống tại Mê Linh, Hà Nội hiện là bà mẹ 2 con, làm nghề bán tạp hoá. Chị chia sẻ, nhà ở xa nhưng khi biết thông tin trên báo chí, chị tranh thủ đến đăng ký.

“30 năm nay tôi cảm thấy mình chưa làm được gì cho đất nước. Tôi cũng rất tin tưởng nền y học Việt Nam nên muốn đóng góp một chút để chúng ta sớm có vắc xin”, chị Hoa chia sẻ.

{keywords}

Chị Hoa chạy đến đăng ký vào giữa trưa 10/12

Chị cho biết, chỉ khi nào chính thức được lựa chọn, chị mới thông báo với chồng và người thân.

Có mặt từ đầu giờ sáng, chị Thu Thủy, 25 tuổi ở Bắc Ninh đọc rất kỹ các tiêu chí tuyển chọn tình nguyện viên. Chị Thủy là một trong những người đầu tiên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax.

Chị Thủy đang là học viên cao học y khoa và đang trực tiếp nghiên cứu về vắc xin Covid-19 nên hơn ai hết, chị rất muốn được thử nghiệm tiêm vắc xin trực tiếp.

“Trước hết tự thấy sức khoẻ cho phép, thứ hai liên quan đến công việc đang làm nên khi có cơ hội mình không cân nhắc quá nhiều. Mình tham gia với cả 2 vai trò là nhà nghiên cứu và tình nguyện viên”, chị Thủy chia sẻ.

Theo chị Thủy, khi tiêm vắc xin luôn có tỉ lệ rủi ro nên bản thân cũng có những lo lắng nhất định, tuy nhiên nếu trong quá trình thử nghiệm nhận thấy có vấn đề không ổn, gặp phản ứng phụ chị sẽ được chăm sóc sức khoẻ đầu tiên hoặc có thể dừng bất cứ lúc nào.

Cùng suy nghĩ muốn đóng góp vào cuộc chiến chống Covid-19, nữ sinh viên khoa Dược 20 tuổi Ngọc Hương đã không ngần ngại điền tên mình vào bản đăng ký làm tình nguyện viên.

“Đại dịch Covid-19 đang tác động toàn thế giới, nhiều quốc gia đang chạy đua phát triển vắc xin. Bản thân em cũng đọc rất nhiều thông tin và cảm thấy khá yên tâm nếu mình được lựa chọn là một trong 60 người đầu tiên tiêm thử giai đoạn 1. Vắc xin của Nanogen làm từ công nghệ tái tổ hợp gene nên khá an toàn với cơ thể”, nữ sinh viên tin tưởng.

Hương cho biết, đã được cán bộ nghiên cứu tư vấn rất kĩ, nếu có vấn đề gì sẽ liên hệ với công ty để được đảm bảo quyền lợi.

“Em chỉ mong muốn đóng góp một chút để vắc xin của Việt Nam sớm thành công, an toàn và hiệu quả, có thể tiêm rộng rãi cho mọi người”, Hương kỳ vọng.

{keywords}

Những bạn trẻ đầu tiên đăng ký làm tình nguyện viên tiêm thử vắc xin của Nanogen

Tính đến 12h trưa nay, có khoảng 30 người đăng ký trực tiếp tại Học viện Quân y. Trong giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 60 tình nguyện viên, giai đoạn 2 cần 400-600 người, giai đoạn 3 sẽ cần 1.500 – 3.000, sau đó mở rộng lên 10.000 người.

Do số lượng tình nguyện viên cần cho thử nghiệm rất lớn, vì vậy ngoài đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và Tương đương sinh học, Học viện Quân y ở Hà Nội, mọi người dân đủ điều kiện sức khoẻ có thể đăng ký qua điện thoại, qua email hoặc qua trang website của công ty Nanogen.

Dự trù gói bảo hiểm 20 tỉ đồng

Ông Đỗ Minh Sỹ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển của Nanogen cho biết, công nghệ tái tổ hợp đã được công ty sử dụng trên nhiều sản phẩm trong 10 năm nay. So với các công nghệ sản xuất vắc xin khác, công nghệ này khá an toàn.

Dù vậy công ty vẫn luôn tính toán và có chuẩn bị các tình huống biến cố bất lợi, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng tình nguyện viên khi tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Học viện Quân y đã bố trí sẵn giường bệnh, ê kíp cấp cứu của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia.

“Nanogen cũng đã chuẩn bị sẵn 2 phương án xử trí sự cố: Thứ nhất, công ty ký hợp đồng với hãng bảo hiểm, mua bảo hiểm cho tình nguyện viên với giá trị khoảng 20 tỉ đồng đề phòng tình huống xấu nhất; Thứ hai, ký quỹ với ngân hàng để bồi thường cho tình nguyện viên thử nghiệm, nếu bảo hiểm không chi trả cho các sự cố”, ông Sỹ thông tin.

Tuy nhiên mức bồi hoàn cụ thể trong các trường hợp không được ông Sỹ đề cập.

{keywords}

2 sản phẩm vắc xin của Nanogen gồm dạng tiêm và dạng xịt 

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nhìn nhận, thử nghiệm lâm sàng vắc xin là nghiên cứu nhạy cảm, vì vậy nhóm nghiên cứu đảm bảo tất cả những điều kiện tối ưu nhất cho tình nguyện viên, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị.

“Ngành y tế nói chung và Học viện quân y nói riêng sẽ dành những điều kiện tốt nhất liên quan đến sàng lọc, thăm khám, quản lý hồ sơ sức khoẻ 24/24. Những nghiên cứu trước đây, tình nguyện viên chỉ được theo dõi 2-4 tiếng hoặc 24 tiếng nhưng riêng vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được theo dõi đặc biệt trong suốt 72 giờ đầu tiên”, TS Quang nói.

TS Quang thay mặt Bộ Y tế cảm ơn các tình nguyện viên chấp nhận tham gia thử nghiệm độ an toàn của vắc xin. Hành động này không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển khoa học kĩ thuật nói chung và vắc xin của ngành y tế nói riêng.

Hiện Việt Nam là một trong 40 quốc gia thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19.

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty Nanogen cho biết, vắc xin Nanocovax có 4 hàm lượng từ 25 mcg đến 100 mcg, được bảo quản ở nhiệt độ từ -2 đến -8 độ C, trong khi vắc xin của Anh phải bảo quản ở -70 độ C

Ngoài vắc xin dạng tiêm (tiêm 2 mũi bắp đùi), Nanocovax cũng chế tạo ra loại vắc xin dạng xịt mũi sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người có bệnh nền, trên 70 tuổi...

Giá thành của vắc xin khoảng 120.000 đồng do được nhà nước đặt hàng và trợ giá. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công vào tháng 5, công ty có thể sản xuất số lượng lớn lên tới 30-50 triệu liều/năm.

* Tên tình nguyện viên đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Việt Nam tuyển 10.000 người tham gia thử nghiệm vắc xin

Việt Nam tuyển 10.000 người tham gia thử nghiệm vắc xin

Giám đốc Học viện Quân y cam kết, không đổi tính an toàn của người dân Việt Nam với bất cứ điều gì khác, nếu thử nghiệm không an toàn sẽ ngừng lại.