Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Điều dưỡng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đến hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từ tháng 11/2021. Khi đó, dịch Covid-19 tại TP vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, số ca mắc và chuyển nặng vẫn cao.

“Chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện đón Tết đâu, ai cũng sợ, cũng lo vì rất nhiều gia đình mất mát, đau thương. Nhớ lại khoảng thời gian này năm ngoái, ai ở nhà nấy, đóng cửa kín mít, không ai dám vui Tết.

Thế mà hôm nay, TP đã là vùng xanh, chúng tôi đang ở đây, đông vui, gặp gỡ nhau đón Tết. Bất ngờ quá”, nữ điều dưỡng xúc động.

{keywords}
Chị Quỳnh Giao khoe ước vọng năm mới của mình.

Chị Giao cho biết, gia đình chị có 8 người. Sau đại dịch Covid-19, "bình an" trở nên đáng quý hơn bao giờ. Đó là lý do chị đã xin ông đồ viết cho 4 chữ "Gia đạo bình an" mừng năm mới.

Đây cũng là chữ được nhân viên y tế, tình nguyện viên tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 xin nhiều nhất trong buổi tiệc tất niên chiều 28/1. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho rằng, đây là buổi tất niên chưa từng có.

“Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cùng TP.HCM vượt qua đại dịch. Đến thời điểm này có thể nói cuộc sống đã trở lại bình thường, thành phố đang trong mức an toàn và thích ứng an toàn.

Hôm nay, gần 700 nhân viên chúng tôi có mặt tại đây để tưởng niệm những người không may đã qua đời vì Covid-19, đồng thời cũng cảm ơn tất cả các anh chị em đã nỗ lực hết mình để bảo vệ bình yên cho nhân dân”.

{keywords}
Mong bình an cho gia đình.

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, ở thời điểm khoảng tháng 8, tháng 9/2021, ông chưa dám mơ sẽ chiến thắng đại dịch và được đón Tết yên ả như thế này. Để bảo vệ thành quả chung, lực lượng y tế sẽ tiếp tục sát cánh, đồng lòng ứng phó với Covid-19, giúp người dân được đón Tết đoàn viên.

Theo thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, anh đã có 1 tháng để chuẩn bị cho buổi tiệc đặc biệt và quy mô này. Bên cạnh đó, để chăm lo cho lực lượng trực Tết, các món đặc sản miền Tây như bánh tét, thịt kho đã được chuẩn bị cho 5 ngày Tết.

{keywords}
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã chuẩn bị trà sữa cho nhân viên y tế. 

“Đặc biệt hơn, chúng tôi sẽ gửi đến nhân viên bệnh viện 150 ly trà sữa đều đặn mỗi ngày vì hiểu rằng rất nhiều bạn trẻ yêu thích, thậm chí là nghiện món này. 

Tất cả những gì chúng tôi chuẩn bị cho ngày hôm nay đều vì chữ nghĩa tình với anh em khắp nơi đang xây dựng Bệnh viện Hồi sức Covid-19”, anh Hiển chia sẻ.

Buổi “hội quân” đặc biệt này có mặt những y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu, các tình nguyện viên. Hiện còn khoảng 50 bệnh nhân đang điều trị, gần như không ghi nhận trường hợp tử vong.  

{keywords}
Mỗi người đều mang một ước nguyện. 

Bác sĩ Võ Tấn Lực, Khoa Hồi sức 2B chia sẻ, Tết của người Việt là tết đoàn viên. Vì vậy, anh luôn mong người bệnh sớm đủ điều kiện xuất viện, sum họp cùng con cháu. "Chúng tôi chỉ ăn Tết muộn hơn một chút. Đó là khi đại dịch kết thúc, Bệnh viện Hồi sức không còn, chúng tôi sẽ về bên gia đình mình, hưởng một cái Tết trọn vẹn".

Bác sĩ Lực cho hay, thời gian qua, nhân viên y tế đến từ rất nhiều bệnh viện, họ chỉ nhận ra nhau bằng ánh mắt vì tất cả đều mặc bảo hộ. Bữa cơm tất niên bất ngờ cũng là dịp gặp gỡ và chia sẻ quý giá của những đồng nghiệp chống dịch.

{keywords}
Một tình nguyện viên 20 tuổi xin được ở lại trực Tết.
{keywords}
Đây là lần đầu tiên nhân viên chống dịch được giải lao, vui chơi trong không khí đặc biệt này
{keywords}
Một góc xuân trong Bệnh viện Covid-19 1.000 giường.

Linh Giao

Bữa cơm tất niên đặc biệt ở Bệnh viện Từ Dũ

Bữa cơm tất niên đặc biệt ở Bệnh viện Từ Dũ

Bữa cơm tất niên bất ngờ tại Khoa Ung bướu phụ khoa (Bệnh viện Từ Dũ) khiến cho 75 người phụ nữ không nén được xúc động.