21h đêm 11/5, Hòa Bình mưa to dữ dội kèm gió lớn. Đó cũng là thời điểm anh Khà Văn T. (sinh năm 1975, xóm Nà Chiêng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu) gặp nạn.

Khi đang đóng cửa sổ tầng 2 của nhà sàn để tránh mưa hắt, anh T. bất ngờ thấy choáng váng, lên cơn co giật và trượt chân. Cú ngã khiến người đàn ông rơi từ độ cao 7 mét, lăn xuống ao nước sâu sát mép nhà.

Từ trong gian bếp, chị Hà Thị B. (sinh năm 1979), vợ anh T., vẫn nghe thấy tiếng kêu rất lớn. Nhìn ra phía ao và biết chồng gặp nạn, chị luống cuống gào thét tìm người cứu giúp.

Sau khoảng 15 phút, anh T. được tìm thấy và đưa lên bờ. Lúc này, anh hôn mê sâu, nước và đất cát chảy ra rất nhiều từ mũi, miệng. Dù được người dân cố gắng sơ cứu, hô hấp nhân tạo, anh vẫn tím tái, bất tỉnh.

Bệnh nhân sau đó nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện tuyến cơ sở.

Đến tận thời điểm hiện tại, chị B. vẫn rất run rẩy, sợ hãi khi nhớ lại ngày hôm ấy, khoảng thời gian mà chị gọi là “ám ảnh nhất trong cuộc đời”.

Tại bệnh viện, anh T. được chẩn đoán nhồi máu não, viêm phổi do sặc. Anh hôn mê rất sâu, tiên lượng thấp, phải thở hoàn toàn theo bóp bóng trợ giúp.

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân khó qua khỏi, gia đình nên đưa anh về sớm để kịp lo hậu sự. Bủn rủn tới nỗi đôi chân không thể đứng vững, chị B. ngã quỵ, òa khóc ngay lúc biết tin.

Khi anh T. được đưa về nhà, người thân trong gia đình tản đi các nơi để chuẩn bị thủ tục hậu sự theo đúng nghi lễ của dân tộc Thái. Quan tài, áo quan được xếp sẵn một góc, nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ, người quen xa gần kéo tới chật kín ngôi nhà.

Chị B. ngồi lặng lẽ bên mép giường, chưa giây phút nào xa rời người chồng. Mọi thứ diễn ra quá đột ngột và đau đớn khiến chị không thể thích ứng.

Ngay trong thời điểm chị tuyệt vọng nhất, hy vọng bất ngờ lại được thắp lên. Hơn 2h sáng, anh T. có cử động nhẹ nơi ngón tay. Chị B. vội vã thông báo cho người thân và quyết định đưa anh quay trở lại bệnh viện để “còn nước, còn tát”.

“Cúi sát người xuống lồng ngực của chồng, tôi có thể cảm nhận rõ từng hơi thở yếu ớt. Điều đó như nói với tôi, không thể ngồi đây và để anh ra đi như vậy. Tôi phải cứu anh”, chị B. bật khóc khi nhớ lại.

{keywords}

Vợ chồng anh T. cùng các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày ra viện

Quay trở lại bệnh viện địa phương, anh T. tiếp tục được cấp cứu, sau đó chuyển lên một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Đến ngày 15/5, anh được đưa về Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiếp tục điều trị.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân vẫn trong trạng thái hôn mê rất sâu, phải thở hoàn toàn theo máy. Bệnh nhân tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

“Đây là trường hợp đặc biệt khi ngoài đột quỵ não, người bệnh còn bị viêm phổi nặng do sặc nước. Trong điều trị, chúng tôi vừa đảm bảo các chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân, vừa cố gắng phục hồi chức năng kết hợp điều trị viêm phổi”, bác sĩ Tình thông tin.

Vị bác sĩ này cũng chia sẻ, ban đầu bệnh viện không đặt quá nhiều hy vọng vào trường hợp của anh T. Những ca tương tự khả năng sống không cao, hoặc nếu tỉnh lại cũng dễ gặp biến chứng như liệt, thậm chí phải sống thực vật. Tuy nhiên, sự bền bỉ, nỗ lực của gia đình đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho người thầy thuốc.

Chị B. tâm sự, chị đã chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất, tuy nhiên chưa giây phút nào người phụ nữ 41 tuổi nghĩ đến việc sẽ bỏ cuộc.

“Tôi chỉ mong anh được sống, trở về với mẹ con tôi. Nếu sau này anh không thể vận động, sinh hoạt như người bình thường, còn có tôi ở đây chăm sóc cho anh”, chị B. chia sẻ.

Sau khoảng 10 ngày điều trị, sức khỏe anh T. có những chuyển biến tích cực, phổi đã có dấu hiệu hồi phục tốt. Bệnh nhân dần cai được máy thở, chuyển qua sử dụng ống thở ở cổ. Anh bắt đầu nhận biết được mọi người xung quanh, nét mặt đã có sự tươi tỉnh hơn.

Dần dần, người bệnh chuyển từ ống thở sang thở oxy, có thể cử động chân tay và nhận biết hiệu lệnh của thầy thuốc như giơ chân, giơ tay, há miệng…

Một tháng sau điều trị, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, đã thở tự nhiên, có thể ăn uống, vận động, nói chuyện với mọi người.

“Việc bệnh nhân hồi phục, không để lại di chứng là sự bất ngờ và hạnh phúc lớn đối với chúng tôi”, bác sĩ Tình chia sẻ.

{keywords}

Chị B. tặng quà kỷ niệm là các món ăn địa phương cho các bác sĩ ngày chồng xuất viện

Suốt 1 tháng trời túc trực bên người chồng, tới tận khi anh rút được ống thở, chị B. mới có thể ăn uống, nghỉ ngơi trở lại.

“Những ngày mong tin anh, tôi lúc nào cũng trong trạng thái bồn chồn tới không thể ăn ngủ. Nhiều lúc mệt quá, tôi thiếp đi một chút lại bất chợt bật dậy vì lo sợ. Thấy anh bình phục, tôi mừng lắm”, chị B. tâm sự.

Sáng 17/6, anh T. được xuất viện, tạm biệt các bác sĩ và hẹn tái khám sau 1 tháng.

11h trưa, khi vợ chồng anh T. về tới nhà, người dân xóm Nà Chiêng nơi anh chị sinh sống đã tới quây quần gần kín 3 gian nhà sàn để chung vui.

Nhiều người từng đồng hành với anh T. trong đêm “thập tử nhất sinh” không giấu nổi những giọt nước mắt khi thấy anh có thể đi lại, trò chuyện. “Sự hồi sinh diệu kỳ” là câu mà bà con nơi đây dùng để gọi tên khoảnh khắc này.

“Có được ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ đã tận tình cứu chữa để đem lại cho chồng tôi sự sống. Họ chính là những vị cứu tinh của gia đình chúng tôi”, chị B. xúc động, nói.

Nguyễn Liên

Gặp lại bệnh nhi đầu tiên được ghép phổi ở Việt Nam

Gặp lại bệnh nhi đầu tiên được ghép phổi ở Việt Nam

Gần 4 năm kể từ khi ca ghép phổi được tiến hành, cháu Bình hiện đã khỏe mạnh, đi lại, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác.