Phát thanh trong thời gian mở cửa để nhắc nhở phòng, chống dịch

Bộ Y tế vừa có Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng (bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống), cửa hàng tiện lợi/cửa hàng tiện ích.

Theo hướng dẫn mới ban hành ngày 7/12 này, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng...phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể.

Các đơn vị này cũng phải công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch để người lao động/làm việc, người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết. Tạo mã QR hoặc tờ khai y tế để kiểm dịch và trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại lối vào khu dịch vụ.

Bộ cũng hướng dẫn phải bố trí khu vực xếp hàng vào khu dịch vụ có đánh dấu vị trí giãn cách giữa các khách hàng theo quy định. Tại khu vực lối vào, siêu thị, nhà hàng phải tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định. Bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch; có biện pháp kiểm soát mật độ người đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

{keywords}
Lực lượng công an kiểm tra việc thực hiện quy định tại các quán ăn ở Hà Nội. Ảnh: VietNamNet

Bố trí phòng, khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/làm việc, người bán hàng khi đang làm việc tại đây có một trong các biểu hiện như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc được xác định mắc bệnh hoặc được xác định là người tiếp xúc vòng 1 (F1) hoặc người tiếp xúc vòng 2 (F2).

Yêu cầu đơn vị và người giao hàng thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K, quy định về phòng, chống dịch và ghi lại thông tin người giao hàng, người nhận hàng, thời gian giao nhận hàng...

Đồng thời, các đơn vị phải tổ chức theo dõi hàng ngày sức khỏe của người lao động/làm việc, người bán hàng. Không bố trí làm việc đối với người có một trong các biểu hiện như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và người thuộc đối tượng F1, F2. Yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe tại nhà trước đến nơi làm việc.

Ngoài ra, các siêu thị, nhà hàng trung tâm thương mại… phải phát thanh trong thời gian mở cửa khu dịch vụ để nhắc nhở người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng thường xuyên thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, các đơn vị này cũng bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, giấy vệ sinh.

Điều chỉnh số lượng người lao động/làm việc, người bán hàng theo tình hình dịch bệnh, theo quy định của chính quyền địa phương và thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 một tuần/lần.

Xử trí khi có người nghi mắc Covid-19

Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn cho nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở.

Đó là thông báo cho cán bộ quản lý nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... và cán bộ y tế phụ trách địa bàn. Cán bộ quản lý/cán bộ y tế cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đeo đúng cách.

Người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác. Đơn vị quản lý nhà hàng, siêu thị... đưa người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại chỗ. Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời là bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu vực các gian hàng (nếu có thể).

Phòng cách ly tạm thời cũng phải đảm bảo thoáng khí, thông gió tốt, hạn chế đồ đạc trong phòng, có chỗ rửa tay, thùng đựng rác có nắp đậy kín và có khu vực vệ sinh riêng.

Ngoài ra, đơn vị quản lý phải gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế khám và điều trị.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến cơ sở y tế. Đồng thời, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… phát hiện có người nghi nhiễm phải lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại chỗ khi cơ quan y tế yêu cầu.

Ngọc Trang

Hà Nội thêm 600 ca Covid-19, F0 cộng đồng nhiều nhất ở Đống Đa, Ba Đình

Hà Nội thêm 600 ca Covid-19, F0 cộng đồng nhiều nhất ở Đống Đa, Ba Đình

Ngày 7/12, Hà Nội ghi nhận 600 ca Covid-19, trong đó có 202 ca cộng đồng, 236 ca ở khu cách ly 162 ca ở khu phong tỏa.