ThS.BS Hoàng Phong Mỹ, khoa Phẫu thuật hàm mặt, BV Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội cho biết, thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến nước bọt, trong đó có 2 trường hợp có sỏi.

Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân 25 tuổi ở Hà Nội, vào BV khám do sưng đau vùng dưới hàm trái, nghi quai bị. Tuy nhiên khi thăm khám kĩ, bác sĩ phát hiện tuyến nước bọt chảy mủ, siêu âm phát hiện sỏi ống tuyến nước bọt kích thước 4 mm.

Bệnh nhân thứ 2 là nữ, 44 tuổi vào viện với các biểu hiện sưng đau tái đi tái lại vùng tuyến mang tai trái, có mủ chảy ra.

{keywords}
Khi sỏi ở tuyến nước bọt kích thước lớn sẽ gây sưng, viêm gây đau đớn


Bệnh nhân cho biết có tiền sử viêm tuyến mang tai mạn tính, từng điều trị kháng sinh nhiều đợt nhưng không dứt hẳn. Đến BV Việt Nam – Cu Ba, bác sĩ phát bệnh nhân bị sỏi ống tuyến mang tai.

Theo BS Mỹ, các bệnh liên quan đến tuyến nước bọt không phổ biến và thường không nguy hiểm, song vẫn có những trường hợp bị u ác tính tuyến nước bọt.

Với trường hợp mắc sỏi tuyến nước bọt, do bị canxi carbonat và canxit photphat kết tinh trong ống dẫn tuyến nước bọt làm tắc dòng chảy của nước bọt vào miệng, gây sưng, viêm. Các viên sỏi thường có kích cỡ từ vài mm đến 2 cm.

Bệnh sỏi tuyến nước bọt phần lớn xảy ra ở tuyến dưới hàm chiếm 60-90%, tuyến mang tai chiếm 10-20 %.

Đáng lưu ý, ở giai đoạn hình thành hoặc khi sỏi kích cỡ nhỏ không gây ra triệu chứng, đến khi sỏi lớn làm tắc ống nước bọt, gây đau đớn, bệnh nhân mới đến BV thăm khám.

Triệu chứng chính của sỏi ống nước bọt là đau ở mặt, miệng hoặc cổ, đặc biệt bệnh nhân đau hơn trước hoặc trong bữa ăn. Do tuyến nước bọt sản xuất nước bọt để tạo điều kiện cho quá trình ăn, khi nước bọt không thể chảy qua sẽ chảy ngược lại gây tắc và làm sưng, viêm, đau đớn.

Với những trường hợp có sỏi tuyến nước bọt, các phương pháp điều trị trước đây thường dùng kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc tăng tiết nước bọt hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, điều trị nội khoa thường không triệt để, còn phẫu thuật có nguy cơ tổn thương thần kinh lưỡi, thần kinh mặt, thần kinh hàm dưới.... đồng thời gây sẹo, mất thẩm mĩ.

Gần đây, nhiều nước trên thế giới bắt đầu áp dụng phương pháp nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến nước bọt, giúp bảo tồn chức năng ống tuyến. Tại Việt Nam, BV Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội là đơn vị đầu tiên ứng dụng kĩ thuật này.

Theo đó, tất cả những bệnh nhân có sỏi tuyến nước bọt nhỏ dưới 4 mm đều có thể áp dụng nội soi để loại bỏ sỏi. Nếu sỏi lớn 4-8 mm, có thể dùng laser phân mảnh trước khi nội soi gắp bỏ.

Kết quả theo dõi hơn 20 bệnh nhân tại BV cho thấy, sau nội soi, bệnh nhân sẽ lập tức giảm đau tại chỗ, sau 1 tuần thấy hết sỏi, không phát hiện tái phát sau 6 tháng.

Thúy Hạnh

Nghiện món triệu quý ông mê, người đàn ông Hà Nội phải nạo nửa mặt vì ung thư

Nghiện món triệu quý ông mê, người đàn ông Hà Nội phải nạo nửa mặt vì ung thư

- Ông Hoàng nghiện thuốc lá từ ngày trẻ, gần đây thường xuyên bị đau răng kèm chảy máu, khi đi khám, bác sĩ thông báo ông bị ung thư khoang miệng giai đoạn 2.