Bà Lê Thanh Bình, Tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thông tin với VietNamNet, đến thời điểm hiện tại, số lương bị nợ (50%) từ tháng 5/2021 đến nay, các nhân viên y tế của bệnh viện vẫn chưa được nhận.

Cũng theo bà Bình, sáng 20/1, Công đoàn Y tế Việt Nam đã trao 395 triệu đồng hỗ trợ 158 đoàn viên công đoàn, người lao động BV Tuệ Tĩnh nhân dịp Tết Nguyên đán. Với khoản tiền này Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ hỗ trợ cho mỗi nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh khoảng 2,5 triệu đồng.

“Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm của các ban ngành. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục lên tiếng để đòi lại số lương bị nợ bởi hiện tại chúng tôi đã vào đường cùng. Cuộc sống các nhân viên y tế vô cùng khó khăn. Chúng tôi cũng muốn phía lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Học Viện Y dược học cổ truyền Việt Nam có câu trả lời rõ ràng về tương lai của các nhân viên y tế”, bà Bình nói thêm.

{keywords}
Các nhân viên y tế xuống đường đòi quyền lợi vào ngày 12/1

Cũng theo bà Bình, nếu không được thanh toán các khoản lương bị nợ, các nhân viên y tế tiếp tục xuống đường để đấu tranh đến cùng. “16h30 chiều nay, sau giờ làm, các nhân viên y tế chúng tôi lại tiếp tục căng băng rôn để đòi lại quyền lợi”, Tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh khẳng định.

Liên quan đến vụ việc này, mới đây, Bộ Y tế tiếp tục có công văn lần 2 gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để hỗ trợ chi trả lương.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bệnh viện Tuệ Tĩnh tại công văn số 816 ngày 24/11/2021, Bộ Y tế đã có công văn ngày 5/12/2021 đề nghị Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho Bệnh viện 10,2 tỷ đồng để hỗ trợ chi lương, chi hoạt động thường xuyên cho Bệnh viện do tác động của dịch Covid-19. Kết thúc năm tài chính, Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm xét duyệt, thẩm định quyết toán năm 2021 của Bệnh viện.

Để tạo điều kiện cho Bệnh viện có kinh phí duy trì hoạt động và để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính xem xét và sớm trình Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ Bệnh viện 10,2 tỷ đồng để hỗ trợ chỉ lương, chỉ hoạt động thường xuyên cho Bệnh viện.

Đồng thời, cũng xem xét và cho ý kiến về việc Học viện cho Bệnh viện vay (tạm ứng) từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện để Bệnh viện chi trả tiền lương, phụ cấp còn nợ cho viên chức, người lao động. Điều này nhằm tránh trường hợp người lao động tiếp tục đòi quyền lợi gây bất ổn cho đơn vị trong thời gian chờ đợi Bộ Tài chính có ý kiến về việc hỗ trợ Bệnh viện chi lương và hoạt động thường xuyên.

Theo báo cáo, Bệnh viện còn nợ 50% lương của viên chức, người lao động từ tháng 5/2021 đến nay.

Trước đó, chiều 11, 12-13/1, hơn 40 cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, cùng với băng rôn nhằm gây sức ép để Bệnh viện trả khoản lương đã nợ suốt 8 tháng qua. Nhiều cán bộ, viên chức tham gia đòi lương chia sẻ, bước đường cùng họ mới phải làm như vậy. Suốt 8 tháng nợ lương, chi phí sinh hoạt hàng tháng không đủ, không ít cán bộ viên chức phải vay mượn khắp nơi để chi trả sinh hoạt phí, lao động ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập như bán rau, chạy xe ôm...

Ngọc Trang

Vì sao Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương nhân viên y tế?

Vì sao Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương nhân viên y tế?

Nguyên Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin chuyển đổi thành đơn vị tự chủ tài chính là nguyên nhân của tình trạng nợ lương.