Bức xúc trước tình trạng Bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc Kim cố tình lập lờ, lợi dụng thương hiệu, tên bác sĩ của bệnh viện khác, hôm qua (17.8), đại diện Bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc JW đã gửi đơn phản ánh lên các cơ quan chức năng.

Trước đó, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, chủ sử dụng hợp pháp thương hiệu nhượng quyền BV thẩm mỹ Hàn Quốc JW tại VN, đã yêu cầu một văn phòng thừa phát lại tại TP.HCM lập vi bằng về những hành vi vi phạm của BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim (gọi tắt BV thẩm mỹ Kim).

Phớt lờ cảnh báo

Phản ánh với Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung rất bức xúc: “Chúng tôi phát hiện BV thẩm mỹ Kim lợi dụng thương hiệu BV thẩm mỹ JW trên các trang mạng là do khách hàng báo lại. Chúng tôi đã điện thoại cho bác sĩ Nguyễn Hữu Nam (Giám đốc chuyên môn BV thẩm mỹ Kim) nhắc nhở, yêu cầu không được làm như thế gây ảnh hưởng thương hiệu JW, nhưng họ phớt lờ, vẫn liên tục lợi dụng thương hiệu chúng tôi cho quảng bá dày đặc trên các trang mạng. Hễ vào Google gõ từ khóa có tên của tôi hoặc tên BV thẩm mỹ Hàn Quốc JW, hay kỹ thuật của BV chúng tôi làm thì cứ dẫn về địa chỉ BV thẩm mỹ Kim - Kim Hospital, lúc thì ở số 31 Nguyễn Đình Chiểu, lúc 49 Mạc Đĩnh Chi - cùng P.Đa Kao, Q.1; lúc thì 101 Sương Nguyệt Ánh, lúc thì Tôn Thất Tùng. Nhưng thực chất họ chỉ được cấp phép BV thẩm mỹ duy nhất tại 31 Nguyễn Đình Chiểu”.

Do vậy, ngày 26.7, TS-BS Dung đã có công văn gửi BV thẩm mỹ Kim và bác sĩ Nguyễn Hữu Nam, yêu cầu chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng BV thẩm mỹ Kim và ông Nam vẫn phớt lờ. Đến ngày 6.8, TS-BS Dung có thư mời bác sĩ Nguyễn Hữu Nam họp để giải quyết dứt điểm việc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng phía ông Nam tiếp tục phớt lờ. Bức xúc, TS-BS Dung đại diện cho BV thẩm mỹ Hàn Quốc JW gửi đơn tố giác vụ việc trên đến nhiều cơ quan chức năng.

Trước đó, ngày 21.7, BV thẩm mỹ Hàn Quốc JW đã yêu cầu một văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về việc BV thẩm mỹ Kim lợi dụng thương hiệu như nói trên. Thừa phát lại xét thấy yêu cầu này phù hợp quy định pháp luật nên đã cho tiến hành lập vi bằng. Ghi nhận của thừa phát lại cho thấy, BV thẩm mỹ Kim lợi dụng nhiều nội dung về tên, kỹ thuật BV thẩm mỹ JW, tên TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung. Chẳng hạn: tìm kiếm trên Google với từ khóa “nâng mũi bác sĩ Tú Dung có tốt” thì sẽ cho ra các kết quả mang tên: “Nâng mũi bác sĩ Tú Dung có tốt - BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim”; nangmuisline.com; nangmui.vn… Nhấp chuột vào những kết quả này sẽ hiện ra BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim. Hoặc với từ khóa “Thẩm mỹ viện JW có tốt không” sẽ cho ra các kết quả: “Thẩm mỹ viện JW có tốt không - BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim”, “Thẩm mỹ viện JW có tốt không - Thẩm mỹ Kim”…

Nhấp chuột vào những kết quả này sẽ hiện ra BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim…

Buộc tháo bảng quảng bá trái phép

Trong một diễn biến khác, mặc dù ngày 17.8 Báo Thanh Niên có bài Lập lờ thẩm mỹ Hàn Quốc, trong đó có phản ánh BV thẩm mỹ Kim quảng bá trái phép, quá phạm vi chuyên môn, lập lờ lợi dụng thương hiệu BV chuyên khoa của nhà nước (BV Răng hàm mặt TP.HCM), nhưng cùng ngày BV này tiếp tục cố tình vi phạm cho trương hai băng rôn rất to (ảnh) ở một cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép (số 101 Sương Nguyệt Ánh, góc Tôn Thất Tùng, Q.1), như thách thức cơ quan quản lý và dư luận.

{keywords}

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM buộc BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim tháo bảng hiệu trái phép.

Chiều cùng ngày, đoàn thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đến đây lập biên bản, buộc BV thẩm mỹ Kim phải tháo ngay 2 băng rôn và tháo những dòng chữ quảng bá trái phép gắn trên tòa nhà. Tuy nhiên, phía BV cho tháo ngay 2 băng rôn, còn nội dung bảng hiệu gắn trên tòa nhà, BV cam kết trong biên bản là sáng nay (18.8) sẽ cho bịt lại.

Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP, BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim cố tình sai phạm, vì họ không hề có giấy phép hoạt động BV thẩm mỹ và BV răng hàm mặt tại địa chỉ 101 Sương Nguyệt Ánh (góc Tôn Thất Tùng, Q.1).

BV này nhiều lần cố tình trương bảng hiệu lập lờ, rất dễ khiến khách hàng hiểu lầm. “BV thẩm mỹ Hàn Quốc Kim đã từng bị Sở Y tế xử phạt nhưng lại tiếp tục vi phạm. Do vậy, đợt này chúng tôi cương quyết chấn chỉnh, kể cả rà soát những trang web mang tên BV thẩm mỹ Kim quảng bá sai phạm, lợi dụng tên, thương hiệu của các đơn vị khác gây hiểu lầm cho người bệnh, khách hàng, làm ảnh hưởng uy tín của ngành y”.

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết trong trường hợp thương hiệu, tên miền (đã được đăng ký) của doanh nghiệp bị xâm phạm gây hiểu lầm thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu được giải quyết. Khi đó, cơ quan này có trách nhiệm mời hai bên lên đối chất, làm rõ. Nếu có cơ sở bên gây hiểu lầm vi phạm thì Cục Sở hữu trí tuệ có văn bản yêu cầu bên vi phạm tháo dỡ website gây ra sự hiểu lầm. Trường hợp Cục đã ra văn bản yêu cầu xóa bỏ nhưng bên vi phạm không thực hiện thì Cục tiếp tục gửi văn bản qua Bộ Thông tin - Truyền thông để Bộ xóa bỏ; đồng thời, bên bị ảnh hưởng yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt hành chính đối với bên vi phạm.

Ngoài ra, theo luật sư Đức: “Song song với việc đề nghị các cơ quan chức năng xử lý bên vi phạm, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nếu bị thiệt hại về doanh thu hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu thì có thể làm đơn khởi kiện (tại TAND nơi doanh nghiệp vi phạm đặt trụ sở hoặc TAND cấp tỉnh, TP nếu vụ việc có yếu tố nước ngoài) đòi được bồi thường thiệt hại và buộc bên vi phạm phải xin lỗi. Cơ quan quản lý y tế cũng cần kiểm tra, xử phạm vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm nếu doanh nghiệp này hoạt động không có giấy phép hoặc hoạt động vượt quá phạm vi cho phép”. (Phan Thương)

Theo Thanh Niên