Tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành y tế TP.HCM chiều 12/1, lãnh đạo Sở Y tế đã chia sẻ về thời điểm số tử vong vì Covid-19 tăng cao sau khi nới lỏng giãn cách. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, giữa tháng 10, dịch cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, từ tháng 11/2021, tình hình bắt đầu phức tạp trở lại. Số ca mắc mới, ca nhập viện tại 3 tầng, số ca nặng và tử vong đều tăng.

Ngày 30/11, TP có 86.609 F0, trong đó, 66.828 F0 cách ly tại nhà. Tại các bệnh viện, có 11.943 bệnh nhân tại tầng 2, 1.738 bệnh nhân ở tầng 3.

{keywords}
Biểu đồ thể hiện số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng trở lại vào tháng 11 so với đỉnh dịch.

“Trong tháng 11, TP ghi nhận 1.070 ca tử vong vì Covid-19”, bác sĩ Châu cho hay. Trong đó có 144 bệnh nhân đến từ các tỉnh thành khác. 

Phân tích đặc điểm, ngành y tế nhận thấy, trong số tử vong có 445 bệnh nhân nam, 625 bệnh nhân nữ. Về độ tuổi, có 9 ca dưới 18 tuổi, 117 ca từ 18-50 tuổi, 323 ca từ 51-65 tuổi và 621 ca trên 65 tuổi (58%).

Trong hơn 1.000 ca tử vong, có 91% bệnh nhân mang bệnh nền, tương ứng với 955 ca. Đáng chú ý, thống kê ghi nhận 546 người chưa tiêm vắc xin (trong đó 362 người trên 65 tuổi).

Như vậy, đặc điểm chung của các ca tử vong vì Covid-19 thời điểm này, đều trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin. Đây chính là tiền đề để Sở Y tế đề xuất triển khai Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi, có bệnh nền)

“Phương án đề ra, là phải giảm lây nhiễm cho người thuộc nhóm nguy cơ bằng tiêm vắc xin, hạn chế tiếp xúc F0. Đồng thời, phát hiện và điều trị sớm bằng cách cấp thuốc kháng virus, tư vấn chăm sóc người bệnh từ xa”, Phó giám đốc Sở Y tế chia sẻ.

Ngày 7/12, Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ được TP.HCM triển khai. Cụ thể, chiến dịch sẽ lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền; xét nghiệm tầm soát, theo dõi từ xa, tư vấn, chăm sóc F0 sớm, tiêm vắc xin và truyền thông tốt cho người dân.

{keywords}
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tại TP.HCM đã có hiệu quả rõ rệt.

Đến nay, chiến dịch ghi nhận 637.806 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó 25.333 người chưa tiêm vắc xin, 5.402 người mắc Covid-19. Các địa phương đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động tiêm cho 13.874 người thuộc nhóm nguy cơ. Các F0 thuộc nhóm nguy cơ được phát hiện đều được cấp thuốc kháng virus sử dụng ngay,  kể cả không triệu chứng.

“Nhóm thở máy, tử vong đều giảm sâu sau khi triển khai chiến dịch này 1 tháng. Hiện nay số tử vong giảm rất sâu, dưới 20 ca/ngày”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ. Gần đây nhất, ngày 10 và 11/1 ghi nhận 19 ca tử vong /ngày tại TP.HCM, bao gồm một số trường hợp chuyển từ các tỉnh thành khác.

Những chuyển biến rõ rệt là cơ sở để TP.HCM duy trì chiến dịch trên với việc mở rộng đối tượng người thuộc nhóm nguy cơ trong năm 2022. Cụ thể, bao gồm cả người từ 50 tuổi trở lên, người trên 18 tuổi chưa tiêm vắc xin...

Cũng tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM điểm lại các dấu mốc đáng nhớ trong gần 1 năm chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, ngày 18/5, TP.HCM phát hiện ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên; ngày 2/6 có ca Covid-19 tử vong đầu tiên; ngày 28/7 triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà; gày 23/8 ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất (340 ca); ngày 27/10 bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12- 17 tuổi; ngày 19/11, TP tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh vì đại dịch Covid-19.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, ở thời điểm căng thẳng nhất, TP.HCM có 104.000 giường điều trị ở 3 tầng trong đó có 4.600 giường ICU. Đến nay, TP đã có 307.405 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện, 416.569 F0 cách ly tại nhà khỏi bệnh.

Linh Giao

Ghi nhận nhiều người bị di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid-19

Ghi nhận nhiều người bị di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid-19

Các bệnh viện ở TP.HCM ghi nhận người đã khỏi Covid-19 phải đi khám các chuyên khoa sâu, họ phải đối mặt mới sự mệt mỏi, di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19.