Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc một số địa phương kiểm soát chặt người ra vào bằng giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 là một biện pháp phù hợp và cần thiết để phòng chống dịch.

“Nếu một người có kết quả xét nghiệm âm tính, sau đó thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì coi như trong một khoảng thời gian không bị nhiễm, giúp loại trừ phần nào nguy cơ cho cộng đồng”, PGS Phu phân tích.

Tuy nhiên, nếu bắt buộc mọi người dân ra vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính là không cần thiết, gây tốn kém. Quy định này chỉ nên áp dụng với người dân đến từ vùng có dịch, là các địa điểm được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

{keywords}
PGS.TS Trần Đắc Phu

Theo PGS Phu, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính chỉ chứng nhận tại thời điểm lấy mẫu, người đó cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2. Trường hợp lấy mẫu quá sớm (sau 1 ngày nhiễm) có thể không phát hiện ra và không loại trừ trường hợp âm tính giả.

“Nếu sau khi xét nghiệm, người dân tiếp tục di chuyển đến các vùng có dịch và không tuân thủ 5K thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh như bình thường, khi đó giấy xét nghiệm không còn giá trị, nhất là trong bối cảnh biến chủng Delta (biến chủng Ấn Độ) có tốc độ lây lan và thời gian lây nhiễm rất nhanh”, PGS Phu nhấn mạnh.

Ngoài ra, giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính có thể tạo tâm lý an tâm mình không mắc bệnh dẫn tới chủ quan, nguy cơ làm lây bệnh cho người khác.

Vị chuyên gia cho biết, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho hiệu quả trên 90% phụ thuộc vào thời điểm xét nghiệm. Phương pháp này cho độ chính xác cao hơn với người mới nhiễm trong khoảng thời gian 2-6 ngày. Sau khoảng thời gian này, khi nồng độ virus SARS-CoV-2 trong hầu họng giảm xuống, độ chính xác cũng giảm theo.

PGS Phu đặc biệt lưu ý các điểm xét nghiệm phải tổ chức lại việc lấy mẫu, tránh tập trung quá đông người.

“Việc có tới hàng nghìn tiểu thương tại chợ Bình Điền chen chúc lấy giấy đăng ký xét nghiệm vừa gây hỗn loạn, vừa có nguy cơ lây nhiễm chéo cho người khác nếu không may trong số đó có trường hợp F0”, PGS Phu khuyến cáo.

Liên quan đến quy định của nhiều địa phương cho phép “giấy thông hành” xét nghiệm có hiệu lực trong 3-7 ngày, PGS Phu cho rằng không nên áp dụng quy định này.

Thay vào đó, nên quy định người ra vào có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72h trước khi vào địa phương. Sau khi vào tiếp tục thực hiện tốt 5K và theo dõi sức khoẻ tại nơi đến.

Thúy Hạnh

 

Nhiều tỉnh miền Tây quy định phải xét nghiệm âm tính nCoV mới được vào tỉnh

Nhiều tỉnh miền Tây quy định phải xét nghiệm âm tính nCoV mới được vào tỉnh

Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre yêu cầu người từ nơi khác đến phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Bạc Liêu cách ly 21 ngày đối với người về từ TP.HCM, Tiền Giang, Bình Dương...