Hôm nay là ngày thứ 2 tỉnh Bắc Ninh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các trường mầm non của huyện Thuận Thành, tuy nhiên từ nửa đêm, hàng trăm người dân của huyện này vẫn đổ về Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ để xếp hàng lấy số xét nghiệm sán lợn bất chấp trời mưa lạnh. 

{keywords}
Giữa đêm, người lớn cùng trẻ nhỏ tại Thuận Thành, Bắc Ninh rồng rắn xếp hàng tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ để lấy số. Ảnh: Thu Trang 


Các gia đình cho biết, thuê xe từ 2h sáng, đến viện lúc gần 3h sáng, lúc này có khoảng 100 gia đình. Đến 4h30 sáng, tăng lên hơn 200 và số liệu đến 6h sáng là hơn 300 gia đình. Viện vẫn phải căng bạt thêm ở sân để có thêm chỗ cho các gia đình trú mưa. Nhân viên của viện đi làm sớm hơn thường ngày khoảng 2 tiếng.

Anh Vũ Khắc Quý ở xã Mão Điền, Thuận Thành cùng con trai có mặt từ rất sớm, anh chia sẻ, may mắn có người thân đang điều trị nội trú ở Viện nên nhờ xếp hàng lấy được số 1.

{keywords}

{keywords}

Càng về sáng, dòng người mỗi lúc dài thêm bất chấp mưa rét


Khi đề cập địa phương đã tổ chức lấy mẫu, tại sao người dân vẫn kéo về Hà Nội, nhiều phụ huynh chia sẻ, phần vì không thể chờ đợi tiếp do quá sốt ruột, phần vì không tin kết quả ở địa phương.

Đây cũng là thực tế, bằng chứng ngay trong chiều qua, các bàn khám, lấy mẫu tại trường mầm non Thanh Khương vắng hoe dù trước đó UBND huyện Thuận Thành đã có thông báo, trực tiếp nhân viên y tế của BV đa khoa Tỉnh, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ, Trung tâm Y tế huyện sẽ lấy mẫu tại địa phương, sau đó gửi về BV Bệnh Nhiệt đới và Viện sốt rét để phân tích kết quả sán lợn.

{keywords}

{keywords}

Mệt và lạnh, nhiều trẻ ngủ thiếp trên tay bố mẹ

 

{keywords}

Các gia đình ngồi chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm


Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp xảy ra tình trạng người dân Thuận Thành đổ về Hà Nội giữa đêm để xét nghiệm.

Hiện tại, rất nhiều chuyên gia bệnh nhiệt đới đã khuyến cáo, các cha mẹ không nên quá hoang mang, đổ dồn đi xét nghiệm gây tốn kém, mệt mỏi không cần thiết do giun sán không phải bệnh cấp tính, không phải dịch bệnh, có thể dễ dàng điều trị thông qua uống thuốc.

GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cũng nhấn mạnh, hiện tỉ lệ dương tính với sán lợn tại Thuận Thành, Bắc Ninh đang ở mức 10-12%, tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ trung bình ở nhiều nơi từ 7-10%.

Sán làm tổ trong não điều trị cũng hết

TS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ cho biết, sán lợn chia làm 2 loại là nhiễm sán trưởng thành hoặc ấu trùng sán. Trong đó, nhiễm sán trưởng thành chủ yếu do ăn thịt lợn nhiễm sán (lợn gạo) chưa được nấu chín.

Thứ hai là nhiễm trứng sán (ấu trùng sán) thường do uống nước lã, ăn các loại rau sống, rau thủy sinh nhiễm trứng sán. Ấu trùng sán có thể vào máu và di chuyển qua các cơ quan như da, não…

Thường những trường hợp nhiễm ấu trùng sán thì nhiễm cả sán trưởng thành. Tỉ lệ nhiễm sán chung tại nhiều vùng của cả nước khoảng 10%, tỉ lệ nhiễm sán của trẻ em tại Thuận Thành, Bắc Ninh đang ở mức 10-12%. 

{keywords}
TS Trần Huy Thọ. Ảnh: Thúy Hạnh

 

Những ngày qua, đã có hàng nghìn gia đình ở Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ, các cháu được xét nghiệm máu để sàng lọc, phát hiện các trường hợp dương tính với ấu trùng sán và lấy mẫu phân để tìm đốt sán.

Tuy nhiên từ hôm qua đến nay, do số lượng các cháu đổ về xét nghiệm lớn nên tạm thời viện ưu tiên lấy máu xét nghiệm trước, các trường hợp dương tính sẽ có lịch hẹn quay lại để xét nghiệm mẫu phân và làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác để đánh giá thêm.

TS Thọ một lần nữa nhấn mạnh, nhiễm sán lợn không phải bệnh nguy hiểm, không cấp tính, điều trị dễ dàng, do đó người dân không nên lo lắng, sốt ruột đội mưa xếp hàng ảnh hưởng sức khoẻ của cả người lớn và trẻ nhỏ.

“Chỉ những trường hợp rối loạn tiêu hoá, mắt thường nhìn thấy đốt sán trắng trong phân hoặc phát hiện đốt sán bò ra ngoài hậu môn mới cần đưa đi xét nghiệm gấp”, TS Thọ nhấn mạnh.

Còn những trường hợp nghi ngờ nhưng không có triệu chứng gì đặc hiệu, cha mẹ có thể theo dõi phân của con trong 2,5 – 3 tháng.

Trước lo lắng của nhiều phụ huynh, sợ con bị nhiễm ấu trùng sán chui lên não, nhiễm vào máu hay vào phổi, TS Thọ trấn an, những trường hợp này đều có các triệu chứng đi kèm như động kinh, nhìn thấy u nổi dưới da, đi ngoài thấy đốt sán, đau đầu, co giật.

Ngay các trường hợp sán làm tổ trong não, hầu hết các bệnh nhân đều hết tổn thương, trong nhiều chục năm làm nghề, TS Thọ chưa gặp trường hợp nào tử vong. 

Tuy nhiên TS Thọ đặc biệt khuyến cáo, những trường hợp nghi ngờ mắc sán nhưng chưa đi khám không được tự ý uống thuốc tẩy sán tại nhà, do mỗi loại sán có những thuốc đặc hiệu riêng. Bác sĩ chỉ kê thuốc khi có kết quả xác định rõ đó là loại sán gì.

Trong khi đó với các loại thuốc tẩy giun, người lớn và trẻ nhỏ có thể chủ động uống tại nhà. Với người lớn, có thể định kỳ 6 tháng – 1 năm. Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi nếu thường xuyên nghịch đất, cát có thể uống dày hơn, 3 tháng/lần.

Thúy Hạnh – Thu Huyền

Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Phòng Giáo dục ép mua thực phẩm của công ty?

Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Phòng Giáo dục ép mua thực phẩm của công ty?

 - Một phụ huynh cho biết, trước đây các cô giáo vẫn tự đi chợ nấu cơm cho các cháu nhưng sau này Phòng GD-ĐT huyện có “lệnh” bắt phải dùng thực phẩm của công ty.