Ông Alsen Alphonse (90 tuổi, quốc tịch Bỉ) đi du lịch cùng gia đình tại Hậu Giang. Sáng hôm qua, cụ ông này đột ngột lên đau ngực trái từng cơn kiểu bóp nghẹt vùng trước tim.

Ông uống thuốc giãn mạch vành nhưng không giảm lại có chiều hướng tăng lên nên được đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.

{keywords}
Ông Alsen Alphonse cười tươi khi được bác sĩ Việt cứu sống

Qua khám lâm sàng và kết quả điện, men và siêu âm tim, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim.

Đặc biệt, do bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý tăng huyết áp nhiều năm, đã từng bị nhồi máu cơ tim được đặt 2 stent mạch vành, cũng như điều trị bằng thuốc liên tục theo toa thuốc của bác sĩ tại Bỉ.

Xác định đây là trường hợp nghiêm trọng nên các bác sĩ hội chẩn. Sau khi được bác sĩ tư vấn bệnh nhân và gia đình đồng ý làm can thiệp tại bệnh viện.

Kết quả chụp mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị hẹp 90% đoạn giữa nhánh mũ động mạch vành trái, phình, vôi hóa, hẹp 90% đoạn III và chỗ chia nhánh liên thất sau động mạch vành phải.

Bác sĩ tiến hành can thiệp mạch vành bằng cách nong bóng, đặt stent phủ thuốc vào đoạn III động mạch vành phải và nhánh liên thất sau đường kính.

Quá trình can thiệp gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân lớn tuổi, động mạch vành bị vôi hóa nặng.

Bệnh nhân được đặt 2 stent động mạch vành trước đó. Qua 90 phút tiến hành thủ thuật, động mạch vành của bệnh nhân đã được tái thông trở lại.

Sau can thiệp, mạch, huyết áp ổn định. Bệnh nhân giảm đau ngực nhiều và tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp.

“Khi vào bệnh viện tôi đau ngực nhiều và cảm giác khó thở, mệt nhiều nên gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi và gia đình biết tại bệnh viện này đã từng can thiệp thành công nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim nguy kịch, trong đó có cả bệnh nhân nước ngoài nên khi bác sỹ tư vấn đã chấp nhận. Bây giờ, tôi hết đau ngực, khỏe nhiều, sinh hoạt gần như bình thường”, ông Alsen Alphonse cười nói và gửi lời cám ơn các bác sĩ đã cứu sống mình.

Bác sĩ Trần Văn Triệu, Khoa Tim mạch can thiệp cho biết, nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch.

Nhồi máu cơ tim cấp ở người cao tuổi biểu hiện nặng do lâm sàng không ổn định, nhiều biến chứng,  bệnh lý đi kèm. Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn bị các biến chứng sau nhồi máu cơ tim như: suy tim sung huyết, rung nhỉ, thủng thành tim hay sốc tim.

Tuổi càng cao thì tiên lượng càng nặng. Do đó việc chẩn đoán và xử trí can thiệp chính xác sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng.

Bác sĩ CKII Phạm Thanh Phong, PGĐ chuyên môn, Giám đốc trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, thời gian qua tại bệnh viện đã thực hiện can thiệp thành công nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim nguy kịch, đặc biệt là bệnh nhân người nước ngoài. Nhưng đây là trường hợp can thiệp mạch vành cấp cứu cho người nước ngoài cao tuổi nhất tại bệnh viện. 

Hai bệnh viện báo động đỏ phối hợp cứu sống bé trai ngưng tim một cách kỳ diệu

Hai bệnh viện báo động đỏ phối hợp cứu sống bé trai ngưng tim một cách kỳ diệu

Bé trai 15 tuổi ở Cần Thơ nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở đã được cứu sống nhờ hai bệnh viện báo động đỏ. 

Hoài Thanh