Thành lập từ ngày 1/8 đến 10/10, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã chăm sóc, sàng lọc 373.096 bệnh nhân Covid-19, chiếm đến 42% số F0 cả nước.

Tiến sĩ Lê Tuấn Thành - đại diện mạng lưới, cho biết hiện nhiệm vụ giai đoạn 1 là "giải cứu điểm nóng Covid-19" tại các địa phương đã hoàn thành. Do đó, thời gian tới, mạng lưới chuyển sang cơ chế hoạt động tình nguyện hỗ trợ địa phương theo dõi F0 tại nhà, chuyển giao mô hình cho ngành y tế địa phương.

Sự chia tay này đã để lại nhiều cảm xúc với các bác sĩ và F0. Chị Đinh Phương Anh, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, cho biết: “Chúng tôi lắng nghe bệnh nhân Covid-19 chia sẻ, hỗ trợ khi họ gặp khó khăn trong thời gian dài vì vậy nhiều người chia sẻ không muốn dừng sự kết nối với bác sĩ”.

{keywords}
Bác sĩ Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn cho F0 qua điện thoại

Tại một cuộc gọi cuối khi phải nói lời tạm biệt với bệnh nhân, chị nói: “Sức khỏe cô ổn rồi, từ ngày mai, cháu sẽ dừng gọi cho cô. Thế là hôm nay, cô cháu mình chia tay cô nhé. Cứ mỗi người bệnh cháu ngừng theo dõi, cháu rất vui vì bệnh nhân an toàn, có thể hòa nhập lại với gia đình xã hội”.

Phía đầu dây bên kia, bệnh nhân nghẹn ngào: “Để các cháu còn tư vấn người khác nữa phải không? Hy vọng có duyên mình gặp lại. Cô nghe buồn muốn chết đây, nước mắt rơi lưng tròng rồi”.

Theo chị Đinh Phương Anh, dù chưa gặp mặt, dù chỉ nói chuyện qua điện thoại vẫn đủ tình cảm, đủ sự lưu luyến, vì vậy mỗi cuộc chia tay đều để lại nhiều cảm xúc.

Chị Nguyễn Phương, BS tư vấn Khu vực 784 của mạng lưới cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với các F0. Làm việc ở khu cách ly ở Quận 7, TP.HCM, chị Phương vẫn dành khoảng thời gian trong ngày để trực tuyến tại Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.

Sau một ngày làm việc áp lực, trở về phòng, bật laptop lên và nhìn danh sách bệnh nhân dài dằng dặc, chị tự nhủ không thể nghỉ ngơi vì nhiều bệnh nhân đang đợi sự tư vấn. Chị vào danh sách và tìm những bệnh nhân lớn tuổi nhất chăm sóc trước.

Ca bệnh khiến nữ bác sĩ nhớ nhất là một F0 64 tuổi, có bệnh lý nền, tự cách ly ở nhà riêng đã 5 ngày và không ai bên cạnh. Ngoài những thuốc bệnh nhân phải sử dụng hàng ngày từ trước, con của ông gửi thêm vào một số thuốc dùng để uống ngừa Covid và chống đông máu.

{keywords}
Chị Nguyễn Phương, BS tư vấn Khu vực 784 của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành

Người bệnh đã sử dụng được 5 ngày, sau khi nghe BS Phương giải thích, hướng dẫn cách uống đúng và những điều cần lưu ý, ông đã bật khóc trong điện thoại. Người đàn ông này nói: “Mấy ngày nay bác rất sợ. Các con không cho bác vào khu cách ly mà để bác ở nhà riêng có một mình, ngày mang đồ ăn tới đặt ngoài cửa. Nhiều lúc bác không biết hỏi ai về bệnh tình cả. Bác lo tới mức mất ngủ. Hôm nay con gọi điện tới bác mừng quá con ơi. Con nhớ gọi điện cho bác hàng ngày nghe con”.

Theo nữ bác sĩ, dịch bệnh xảy xa, y tế quá tải, các cơ sở điều trị chỉ có thể tiếp nhận những ca bệnh nặng vì không đủ giường và thiết bị. Người bệnh cô đơn, không biết bám víu vào đâu. Có những người lo lắng đến tuyệt vọng, cuộc điện thoại từ bác sĩ như chiếc phao cứu sinh. Họ được trấn an về mặt tinh thần, tư vấn về cách ăn uống, dùng thuốc đúng, được theo dõi các dấu hiệu nguy cơ, tăng nặng, được liên hệ y tế khi có dấu hiệu cần nhập viện gấp…

Anh Nguyễn Văn Kiên, tình nguyện viên khác của mạng lưới, cũng chia sẻ, thời gian đầu hoạt động, họ gặp không khó khăn. “Bệnh nhân nói với tôi: “Gọi như này có tác dụng gì đâu, gọi từ xa chả giải quyết được vấn đề gì. Khám trực tiếp còn chả ăn ai nữa là gọi…”, anh nhớ lại.

Nhưng các bác sĩ, tình nguyện viên vẫn kiên trì hỏi han tình trạng bệnh nhân và nếu bệnh nhân trở nặng sẽ liên hệ để người bệnh được đi cấp cứu.

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng tư vấn từ xa cho bệnh nhận Covid-19. Vì còn làm chuyên môn ở viện nên tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị vào ca trực cùng mạng lưới. Theo BS Mỹ Duyên Hầu hết các bệnh nhân F0, chị gọi điện tư vấn đều đang cần hỗ trợ. Tuy nhiên, đôi khi chị cũng gặp phải những tình huống “dở khóc, dở cười”.

{keywords}
Một buổi họp trực tuyến của Mạng lưới

“Có lần tôi gọi đến cho bệnh nhân để tư vấn nhưng bệnh nhân lại tưởng mình là lừa đảo. Có những ngày hệ thống cập nhật chưa được tốt lắm, mình gọi khiến họ cũng rất khó chịu, họ không biết vì sao mình gọi…”, chị nhớ lại.

Chị Đỗ Khương Kỳ Khuê, tình nguyện viên Khu vực 764  của mạng lưới lại có nhiều lo lắng trước khi tham gia tư vấn cho F0 qua điện thoại.

“Tôi sợ rằng liệu mình gọi nhiều đến như vậy, họ có thấy bị làm phiền không? Hay có thể vì họ đang mệt trong người nên rất cáu gắt khó chịu với bác sĩ? Thậm chí họ có thể từ chối, cúp ngang máy trong lúc tôi đang tư vấn”, chị băn khoăn.

Tuy nhiên vượt qua nhiều lo ngại, băn khoăn bao đầu, nữ tình nguyện viên vẫn kết nối với các F0 để bắt đầu công việc tư vấn, theo dõi từ xa. “Trước giờ, cuộc gọi chỉ là một phương tiện thông thường, thậm chí có vài người thấy phiền, dập máy đi, nhưng bây giờ nó lại giữ sự sống cho một mạng người", chị nói thêm 

Với những nỗ lực không mệt mỏi, qua 2 tháng, 10.028 tình nguyện viên là y bác sĩ đã chăm sóc từ xa cho 373.096 bệnh nhân.

Trong đó, 361.799 F0 được đánh giá nguy cơ mức 0 và 1 (không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, nguy cơ diễn tiến nặng thấp) được chăm sóc thường xuyên bởi các tình nguyện viên y tế. 2.305 bệnh nhân mức nguy cơ 2 được bác sĩ theo sát. 2.463 bệnh nhân mức nguy cơ diễn tiến bệnh nặng 2, 3, 4 đã được hỗ trợ nhập viện cấp cứu.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 1, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành sẽ chuyển giao lại mô hình hoạt động cho ngành y tế địa phương trước ngày 31/12. Mạng lưới vẫn sẵn sàng huy động lực lượng tình nguyện trực tổng đài online và kích hoạt cơ chế hỗ trợ thông tin khẩn cấp trong trường hợp có lời kêu gọi của ngành y tế.

Ngọc Trang

Cái chắp tay của bệnh nhân Covid-19 khiến bác sĩ Hà Nội khó quên

Cái chắp tay của bệnh nhân Covid-19 khiến bác sĩ Hà Nội khó quên

50 ngày chi viện cho TP.HCM chống dịch, ấn tượng với người bác sĩ Hà Nội là cái chắp tay của một bệnh nhân vừa qua cơn nguy kịch vì Covid-19.