Một bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh lưu các hóa đơn y tế của cô trong các tài liệu được đánh dấu màu xanh lá cây, đỏ và nâu để dễ phân biệt. Một người đàn ông có cha mất vì virus SARS-CoV-2 vào mùa thu năm ngoái sử dụng Excel để sắp xếp các khoản nợ chưa thanh toán. Bảng Excel có tới 457 hàng, mỗi hàng là một hóa đơn của cha anh, tổng trị giá hơn 1 triệu USD.

Đây là những người đang phải đối mặt với ảnh hưởng lâu dài của Covid-19: Cuộc sống của họ bị đè nặng bởi viện phí. 

Bàn làm việc và bàn trà của họ đầy ắp những chồng tài liệu. Họ thông thạo thuật ngữ mã hóa y tế, sau hàng trăm giờ gọi điện thảo luận về các khoản phí với bệnh viện, bác sĩ và công ty bảo hiểm.

{keywords}

Ảnh minh họa: Healthgrades

Jennifer Miller, người đang làm việc với luật sư, cho biết: “Mọi người nghĩ rằng có một số chương trình hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân Covid-19. Nhưng điều đó không tồn tại".

Những người Mỹ mắc các bệnh nghiêm trọng thường xuyên phải đối mặt với các hóa đơn đắt đỏ, nhưng mọi chuyện được cho sẽ khác đối với bệnh nhân Covid-19. Nhiều chương trình y tế lớn đã đưa ra các quy tắc đặc biệt, miễn các khoản thanh toán cho người nhập viện vì virus SARS-CoV-2.

Mỹ đã chi hơn 30 tỷ USD cho các ca nhập viện do Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chi phí trung bình cho mỗi lần nằm viện là hơn 23.500 USD.

Khi bệnh viện nhận các khoản cứu trợ, Quốc hội đã ra lệnh cấm không cho bệnh nhân “thanh toán số dư” vượt quá những khoản công ty bảo hiểm đã trả.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những nỗ lực đó đã thất bại. Một số người có bảo hiểm tư nhân đang phải trả các hóa đơn có thể lên tới hàng chục nghìn USD.

Các bệnh viện và công ty bảo hiểm nói rằng họ đã cố gắng thích ứng với các hướng dẫn thanh toán khác nhau cho đại dịch. Nhưng những rắc rối có thể nảy sinh khi các quy tắc mới được thiết lập nhanh chóng.

Bệnh nhân Covid-19 phải rút tiền từ tài khoản tiết kiệm và quỹ hưu trí để trả cho bệnh viện. Nhiều người cũng đang phải vật lộn với các chi phí gián tiếp, như hàng giờ đồng hồ gọi điện cho công ty bảo hiểm để giải quyết các thủ tục.

“Tôi có bằng tiến sĩ, nhưng điều này nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi còn chưa xem các hóa đơn năm 2021 vì vẫn đang xử lý các hóa đơn năm 2020”, Miller, một bệnh nhân Covid-19, cho hay.

Một số người không bị bệnh nhưng đang đối mặt với những hóa đơn mà người thân đã khuất để lại.

Rebecca Gale, 64 tuổi, mất người chồng 25 năm, Michael, vì Covid-19 vào mùa hè năm ngoái. Bảo hiểm của họ đã chi trả hầu hết tiền viện phí của Michael. Nhưng hóa đơn xe cứu thương hàng không của ông lên tới 50.000 USD chỉ được giải ngân một phần.

Bảo hiểm sức khỏe của gia đình giới hạn mức chi cho xe cấp cứu hàng không ở mức 10.000 USD.  Bà Gale nghỉ hưu vào năm ngoái. Nhưng giờ đây, bà phải cân nhắc tìm kiếm một công việc bán thời gian để giúp trả các khoản phí.

Shubham Chandra đã rời bỏ công việc lương cao tại một công ty khởi nghiệp ở TP New York để xoay sở với hàng trăm hóa đơn từ việc nằm viện 7 tháng của cha mình. Cha của anh, một bác sĩ tim mạch, đã mất vì Covid-19 vào mùa thu năm ngoái.

Trong nhiều tháng, anh dành buổi sáng để đọc các hóa đơn, buổi chiều gọi cho các công ty bảo hiểm và bệnh viện. 97 hóa đơn bị bảo hiểm từ chối khiến gia đình có nguy cơ rơi vào khoản nợ hơn 400.000 USD.

“Một phần lớn cuộc đời tôi hiện nay vướng bận với những giấy tờ này. Thật khó để ngủ ngon khi bạn phải trả hàng trăm nghìn USD", Chandra tâm sự.

An Yên (Theo NYTimes)

Nghịch lý trớ trêu trong phân phối vắc xin Covid-19 ở Mỹ

Nghịch lý trớ trêu trong phân phối vắc xin Covid-19 ở Mỹ

Dù còn 66% dân số Mỹ chưa tiêm chủng xong nhưng nhiều bang đang từ chối nhận vắc xin được phân phối.