Ở Việt Nam, hiện phẫu thuật nội soi (PTNS) không chỉ có tại các bệnh viên tuyến trên mà đã “phủ sóng” đến các BV tuyến tỉnh, quận, huyện, hàng trăm phẫu thuật viên nước ngoài đến Việt Nam học nghề.

Từ ca phẫu thuật đầu tiên

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, năm 1991, ông vừa tốt nghiệp ĐH Y Dược TP.HCM cùng 4 bác sĩ trẻ khác được GS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường mời cùng nghiên cứu ứng dụng máy nội soi trên người do G. Cường mang về từ Mỹ. GS.Cường về sau được biết đến là người tiên phong mang kỹ thuật PTNS về Việt Nam và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật nội soi mới, phức tạp ở Việt Nam.

Ý tưởng này đã được cố Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM Trương Công Trung ủng hộ và cho êkíp 10 con chó để thực hiện nội soi. Kết quả PTNS đã được Hội đồng Khoa học của ĐH Y Dược TP.HCM đánh giá tốt. Sau đó, ca mổ cắt túi mật nội soi đầu tiên trên người đã được thực hiện vào ngày 23/9/1992 tại bệnh viện Chợ Rẫy thành công, đánh dấu bước phát triển của kỹ thuật PTNS ở Việt Nam.

Đến những bước tiến vượt bậc

Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng mạnh mẽ phương pháp PTNS và đạt nhiều thành quả điều trị vượt bậc cho người bệnh trong 10 năm qua. Các thành tựu của PTNS trong nước đã được đúc kết tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam năm 2018.

Sau 10 năm, kỹ thuật này đã được chuyển giao và áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm áp lực quá tải lên các bệnh viện tuyến trên.

Theo thống kê của Hội PTNS Việt Nam, đến năm 2017 tỷ lệ có thể thực hiện PTNS ở các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên ở phía Bắc là 95%, ở phía Nam là 93% và ở miền Trung là 85%.

PTNS được ứng dụng phổ biến và rộng rãi trong nhiều chuyên ngành. Trước đây PTNS chủ yếu điều trị bệnh tiêu hóa. Đến nay kỹ thuật này được mở rộng chỉ định ở nhiều chuyên ngành như tai mũi họng, lồng ngực, tiết niệu, khớp, sản phụ khoa, nhi khoa, tiêu hóa, tim, sọ não, cột sống... PTNS được ứng dụng thường quy trong điều trị các bệnh lành tính, ung thư, cấp cứu với hiệu quả cao.

Không chỉ vậy, phẫu thuật nội soi dần dần được áp dụng vào điều trị các bệnh lý khó, phức tạp và chuyên sâu, giúp đạt hiệu quả điều trị cao. Một số bệnh viện đã ứng dụng công nghệ robotic tiên tiến nhất giúp cho phẫu thuật viên thực hiện kỹ thuật an toàn, chính xác.

{keywords}
 

Nhiều công trình nghiên cứu về phẫu thuật nội soi được thực hiện bởi các chuyên gia Việt Nam đã được thế giới công nhận. Có thể kể đến nghiên cứu về “Phẫu thuật cắt nang ống mật chủ” của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Bệnh viện Nhi Trung ương, “Phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp” của PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Năm 2017, nghiên cứu "Phẫu thuật nội soi cắt gan" của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đạt giải nhất Hội Phẫu thuật nội soi cắt gan thế giới.

Việt Nam trở thành một trong những điểm đến uy tín về đào tạo kỹ thuật nội soi và PTNS trong khu vực. Nhiều bác sĩ ngoại khoa Việt Nam đã được mời giảng dạy ở các trung tâm huấn luyện PTNS tại nước ngoài, báo cáo ở các hội nghị Ngoại khoa quốc tế... Số lượng bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học tập về phẫu thuật nội soi ngày càng tăng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM....

Tiêu biểu là Trung tâm Huấn luyện PTNS Đại học Y Dược TP.HCM (trung tâm đầu tiên trên cả nước đào tạo và huấn luyện PTNS) đã giảng dạy cho hơn 1.500 phẫu thuật viên trong nước và hơn 700 phẫu thuật viên nước ngoài.

Một thành tựu nổi bật là Hội PTNS và Nội soi Việt Nam được thành lập, đóng góp quan trọng trong sự phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi nói riêng và các kỹ thuật ít xâm lấn nói chung.

Theo PGS.TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc, PTNS dần đã trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn và thường quy đối nhiều bệnh lành tính cũng như ác tính với chỉ định ngày càng mở rộng và ưu điểm ngày càng được chứng minh. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện đã thực hiện được ghép tạng (gan, phổi, tim, thận…), ghép đa tạng. Phẫu thuật Robotic cũng đã được triển khai tại một số bệnh viện. Những thành tựu của ngành Ngoại khoa đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, cũng như mở ra nhiều hi vọng sống mới cho người bệnh.

Trong 2 ngày 5-6/10, Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học ngoại khoa và PTNS Việt Nam năm 2018  với chủ đề “Xâm lấn tối thiểu - Điều trị tối đa” tại TP.HCM.

Tại hội nghị có hơn 200 bài báo cáo được trình bày bởi các báo cáo viên đến từ 45 bệnh viện trên cả nước và nước ngoài, bao quát trên nhiều lĩnh vực như Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Nhi, Ngoại Gan - Mật - Tụy, Ngoại Tiêu hóa, Lồng ngực mạch máu, Sản phụ khoa, Ngoại Tiết niệu, Hậu môn trực tràng… Những đề tài báo cáo, những công trình nghiên cứu và kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội nghị lần này có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hành lâm sàng trên quy mô cả nước.

 Minh Tuấn