Đây là ca bệnh đặc biệt được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đưa ra xin ý kiến các chuyên gia của Bệnh viện K trong buổi hội chẩn từ xa chiều 31/8.

Bệnh nhân là Lường Thị L, dân tộc Thái, 52 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 1C vào đầu năm 2018, đã phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng, mạc nối lớn.

Bệnh nhân được điều trị bổ trợ hoá trị paclitaxel và carboplatin 6 chu kỳ, ra viện vào tháng 4/2018.

Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, bệnh nhân được phát hiện ung thư di căn hạch trung thất, hạch thượng đòn, bác sĩ động viên bệnh nhân tiếp tục dùng hoá chất song bệnh nhân từ chối điều trị.

{keywords}

Hàng chục chuyên gia đầu ngành về ung bướu các lĩnh vực cùng dồn sức hội chẩn ca bệnh nặng tại Điện Biên

 

Đến tháng 10/2019, bệnh nhân khó thở, đau ngực, quay lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên khám. Lúc này khối u đã di căn đến màng tim, màng phổi nhưng do kinh tế khó khăn nên chị L. chỉ điều trị triệu chứng.

Đến tháng 2 năm nay, khi tình trạng khó thở tăng nặng, bệnh nhân mới đồng ý điều trị hoá chất giảm nhẹ. Sau 5 chu kỳ, các triệu chứng khó thở, tức ngực thuyên giảm. Tuy nhiên ngay lần tái khám kế tiếp, khi thấy khối u tiến triển chậm, không ảnh hưởng nhiều sức khoẻ, bệnh nhân lại xin về, không điều trị.

Cách đây 3 tháng, bệnh nhân tiến triển nặng, khó thở nhiều, đau ngực phải âm ỉ, cơ thể suy kiệt kèm theo tràn dịch màng tim, màng phổi. Bác sĩ phát hiện ung thư di căn hạch thượng đòn kích thước 3x4 cm, gần màng tim có khối u kích cỡ 2,3 cm… Do cơ thể bệnh nhân quá yếu nên không thể dùng hoá chất.

Các chuyên gia tại Bệnh viện K nhận định, đây trường hợp ung thư buồng trứng tái phát giai đoạn cuối, đã di căn vào màng phổi, màng tim, chảy nhiều dịch, nhiều hạch dọc động mạch chủ bụng, hạch tiểu khung, kích thước hạch lớn nhất 3x2 cm, tiên lượng rất xấu.

{keywords}

Hình ảnh khối u và hình ảnh tràn dịch màng phổi của bệnh nhân L. 

 

ThS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoai phụ khoa, Bệnh viện K đánh giá, tình trạng của bệnh nhân cần cấp cứu, can thiệp dẫn lưu màng tim, màng phổi. Với tình hình hiện tại, bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật.

“Điều rất đáng tiếc là từ tháng 10/2018, bệnh nhân đã tái phát nhưng đến tận tháng 2/2020 mới tiếp tục điều trị hóa chất. Thời gian bỏ trống quá dài, quá là đáng tiếc”, BS Chinh nói.

TS.BS Hàn Thị Thanh Bình, Phó khoa Nội 5 cho rằng, chỉ sau 6 tháng phẫu thuật từ giai đoạn 1C tiến triển di căn là rất nhanh. Sau đó bệnh nhân lại lỡ cơ hội điều trị, giờ phương án cuối là phải dùng hoá chất.

Tuy nhiên khi xem xét kỹ, các chuyên gia Bệnh viện K đánh giá, với trường hợp bệnh nhân L. nếu áp dụng phác đồ mới, tỉ lệ đáp ứng cũng chỉ dưới 20% và chỉ có thể duy trì tối đa 2-3 tháng.

Do đó, bác sĩ sẽ trao đổi kỹ với gia đình xem có nên tiếp tục điều trị hóa chất hay chăm sóc giảm nhẹ vì tình trạng bệnh nhân rất nặng.

{keywords}

PGS Quảng lưu ý cần ưu tiên dẫn lưu màng tim cho bệnh nhân để tránh chèn ép đường thở

 

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, trường hợp không dùng hoá chất, cơ hội của bệnh nhân cũng 50-50, khi đó chỉ có thể dẫn lưu màng tim vì nếu chèn ép tim khó thở có thể tử vong ngay. Không thể dẫn lưu màng phổi cùng lúc vì dịch sẽ tiết liên tục khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy kiệt nhanh hơn.

Ngoài ca bệnh nói trên, trong buổi hội chẩn từ xa, các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện K còn hội chẩn cho ca bệnh ung thư đại trực tràng di căn tại đầu Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ca ung thư Sarcom phần mềm di căn phổi, xương tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ.

Ngay trong buổi hội chẩn ngày 31/8, có 64 cơ sở y tế trong cả nước cũng theo dõi trực tiếp các ca bệnh để học hỏi, rút kinh nghiệm, điểm xa nhất là bệnh viện tuyến huyện tại Điện Biên.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nhìn nhận, việc phát triển đề án hội chẩn từ xa trực tuyến trong thời điểm hiện tại thực sự mang lại rất nhiều ý nghĩa, vừa giúp đảm bảo giãn cách xã hội, vừa giúp giảm quá tải tuyến trên trong khi chất lượng chuyên môn tuyến dưới nâng cao thấy rõ.

“Dù khám chữa bệnh từ xa nhưng chất lượng không khác biệt nhiều lắm do tuyến dưới đã được chúng tôi đào tạo, đã nắm được kiến thức, khi không có thầy ở cạnh có thể thiếu tự tin, nhưng giờ thầy từ xa hỗ trợ trực tiếp thì khó ở đâu, chỉ cần thầy chỉ các trò sẽ làm được tiếp ngay”, PGS Quảng chia sẻ.

Người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.

Dù vậy, PGS Quảng cho rằng để hệ thống khám chữa bệnh từ xa thực sự có hiệu quả, ngoài việc các cơ sở y tế chuẩn bị tốt hạ tầng kết nối, rất cần hợp thức hoá các chi phí khám chữa bệnh để có cơ chế thanh toán phù hợp.

Thúy Hạnh

1 bác sĩ trung ương ‘kèm cặp’ từ xa 10 thầy thuốc tuyến dưới

1 bác sĩ trung ương ‘kèm cặp’ từ xa 10 thầy thuốc tuyến dưới

Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Bộ Y tế yêu cầu 1 bác sĩ tuyến trung ương sẽ phải hỗ trợ cho ít nhất 10 thầy thuốc tuyến dưới.