Nam bệnh nhân 57 tuổi tử vong sáng 1/9 tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai khi mắc sốt xuất huyết sang ngày thứ 5, bắt đầu suy gan, thận, suy đa tạng.

Sau đó bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới để điều trị, sau nửa ngày chuyển tiếp lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (tim phổi nhân tạo) và hồi sức.

Dù được điều trị tích cực, lọc máu liên tục nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Được biết, trong 5 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà.

{keywords}

Nhiều nam giới khoẻ mạnh cũng nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết

 

Đây là trường hợp thứ 2 tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội trong 2 tuần qua. Cách đây 10 ngày, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi mắc sốt xuất huyết bị ngừng tim do tự truyền dịch tại nhà.

Khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, sau khi được cấp cứu, ép tim, tim đã đập trở lại. Ngay sau đó, bệnh nhân tiếp tục ngừng tim lần 2, tiếp tục được cấp cứu và đặt ECMO.

Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong sau 2 ngày vào viện do suy đa tạng.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong những ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính.

Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3 - 4 tiếng.

Có khoảng 70% các trường hợp mắc sốt xuất huyết là lành tính, sau sốt 5-7 ngày người bệnh có thể tự hồi phục. Tuy nhiên một số rường hợp có cơ địa đặc biệt, có bệnh nền mạn tính kèm theo cần lưu ý hơn.

Theo BS Cấp, trong sốt xuất huyết có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.

Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.

Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra.

Do đó BS Cấp khuyến cáo, những bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần làm xét nghiệm tiểu cầu trong 3 ngày liên tiếp, vào các ngày thứ 4-5-6 vì theo dõi biến chứng hạ tiểu cầu là phải theo dõi xu thế chứ không phải chỉ một thời điểm.

“Nếu ngày thứ 6, tiểu cầu vẫn có xu thế đi xuống thì ngày thứ 7 phải làm xét nghiệm lại. Còn nếu ngày thứ 4-5 thấp, thứ 6 bắt đầu tăng lên thì không cần làm nữa”, BS Cấp thông tin.

Hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm soát hoạt động của muỗi truyền bệnh như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, loăng quăng và bọ gậy. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà và ngoài nhà… không cho muỗi sinh sản và phát triển.

Bệnh do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu là D1, D2, D3, D4 và luân phiên gây dịch. Do đó, một người từng mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại do mắc các type khác nhau.

Thúy Hạnh

Nữ tiếp viên hàng không 25 tuổi qua đời sau 3 ngày mắc sốt xuất huyết

Nữ tiếp viên hàng không 25 tuổi qua đời sau 3 ngày mắc sốt xuất huyết

Câu chuyện cô gái trẻ mới 25 tuổi qua đời vì sốt xuất huyết như một lời cảnh báo căn bệnh dịch nguy hiểm xuất hiện nhiều trong mùa mưa.