Có lẽ hình ảnh để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng nhất của bác sĩ Phạm Văn Phúc (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) tại khu điều trị là chiếc áo blouse luôn ướt nhẹp như vừa đi mưa.

Anh Phúc bảo, bản thân có “cơ địa” khá đặc biệt, không chịu được nóng và đổ rất nhiều mồ hôi. Điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Phúc cùng đồng nghiệp làm việc 8 tiếng mỗi ca trong bộ đồ phòng hộ kín mít, phòng bệnh lại không bật quạt hay điều hòa để tránh lây nhiễm.

Bởi thế, đầu tóc, quần áo của anh luôn ướt nhẹp sau mỗi ca làm việc, đặc biệt vào mùa hè.

{keywords}
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - một trong những người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: N.Liên

Cuộc “đấu trí” căng thẳng với SARS-CoV-2

Một ngày đầu tháng 3 năm 2020, khi vừa bắt đầu ca trực buổi sáng, bác sĩ Phúc nhận tin gấp: có 2 ca Covid-19 nặng chuẩn bị chuyển từ Khoa Cấp cứu lên Khoa Hồi sức tích cực, cần giải phóng gấp toàn bộ bệnh nhân thường.

“Lúc ấy, Khoa Hồi sức đang có 10 bệnh nhân. Tất cả như một cuộc chạy đua, từ làm thủ tục chuyển viện cho tới chuẩn bị trang thiết bị, vật tư sẵn sàng điều trị Covid-19”, anh Phúc nhớ lại. Ngay đêm hôm ấy, 2 ca nặng đầu tiên phải thở máy của cả nước, nam bệnh nhân 69 tuổi người Anh và bệnh nhân 19 được chuyển lên Khoa.

{keywords}
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: M.Khôi

Bác sĩ Phúc tâm sự, anh nhiều lần rơi vào tình trạng stress cực độ trong những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân.

Ca số 19 diễn tiến xấu rất nhanh, sau 3 ngày đã phải can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Cơ chế bệnh sinh của Covid-19 lúc này chưa được khám phá đầy đủ, các phương án điều trị đưa ra rất mơ hồ. Mỗi ngày trôi qua, bệnh nhân gần như không có tiến triển khiến anh Phúc rất căng thẳng.

Cuộc “đấu trí” hao tổn sức lực nhất là khi bệnh nhân 19 ngừng tim. Hôm ấy, bác sĩ Phúc không trong ca trực. Đang ngủ, anh nhận được cuộc gọi gấp, thông báo bệnh nhân ngừng tim. Chưa kịp mặc áo blouse, anh chỉ vội trùm bộ đồ bảo hộ, lao thẳng vào cứu bệnh nhân.

Sốc điện, ép tim liên tục, người bệnh bắt đầu có nhịp tim trở lại, tuy nhiên sau đó lại mất nhịp. Sốc điện lần 2, bệnh nhân ổn định 5 phút lại rơi vào ngừng tim. Lần thứ ba, các bác sĩ vẫn không bỏ cuộc.

“Thậm chí có thời điểm, chúng tôi nghĩ đến tình huống xấu nhất, có lẽ phải báo tin cho gia đình. Tuy nhiên, anh em vẫn tiếp tục cố gắng”, bác sĩ Phúc kể.

Sau 45 phút ép tim liên tục, bệnh nhân dần đáp ứng, các bác sĩ như tìm thấy “ánh sáng nơi cuối đường hầm”. Đêm ấy, bác sĩ Phúc thức trắng, cùng đồng nghiệp lục lại toàn bộ hồ sơ, xét nghiệm lại các thông số, cố gắng tìm nguyên nhân dẫn tới ngừng tim.

Bác sĩ Phúc chia sẻ, mỗi khi stress, anh đều không thể ngủ. “Kể cả ngoài ca trực, tôi cũng không dám ngủ, luôn hồi hộp chạy ra chạy vào. Có những thời điểm vì căng thẳng quá, tôi cứ ngồi một góc, tự đặt ra rất nhiều câu hỏi. Anh em phải động viên nhiều mới ổn định hơn”, anh Phúc nói.

Nam bác sĩ trẻ chỉ thực sự vượt qua stress khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn.

{keywords}
Bác sĩ Phúc trong ngày công bố khỏi bệnh cho một bệnh nhân Covid-19 nặng - Ảnh: N.Liên

Hơn 1 năm dài điều trị Covid-19, điều khiến bác sĩ Phúc tự hào nhất là anh và các đồng nghiệp “chưa thua bàn nào”, toàn bộ bệnh nhân nguy kịch đều được cứu sống.

Tuy nhiên, anh xác định “bão lũ” bên ngoài còn nhiều, các biến chủng mới liên tục xuất hiện. Bởi vậy, vui mừng nhưng không chủ quan, anh và các đồng nghiệp tiếp tục chuẩn bị tâm thế cho những đợt điều trị tiếp theo.

“Con ốm nhưng không thể về, tôi thấy rất có lỗi”

Đợt đầu Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Phúc ở lại viện hơn 2 tháng. Sau đó, anh được về nhà nghỉ ngơi một thời gian trước khi quay lại với guồng công việc. Ròng rã suốt hơn 1 năm, thời gian bác sĩ Phúc ở viện nhiều hơn ở nhà.

Ông bà ở xa nên không thể nhờ, một mình vợ anh Phúc phải chăm con, cáng đáng mọi công việc khi chồng vắng nhà.

Nam bác sĩ tâm sự, con gái mới 2 tuổi nên rất hay ốm, có tháng ốm tới 2-3 lượt, khi thì tay chân miệng, khi thì tiêu chảy, viêm phế quản… “Có những lần con ốm đi viện, một mình vợ loay hoay. Tôi không thể làm được gì nên vừa lo, vừa thấy rất có lỗi. Tôi phải cảm ơn vợ rất nhiều”, anh Phúc nói.

Ngày mới xa nhà, con gái còn hào hứng trò chuyện với bố qua điện thoại. Tới lâu lâu không về, bé giận dỗi, bố gọi điện đều chạy ra chỗ khác chơi.

“Hôm tôi hết cách ly, được về nhà, bé còn dỗi không cho ôm. Sau này, bố xa nhà nhiều nên cũng quen, không còn giận nữa”, anh vui vẻ kể.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, anh Phúc thi đỗ bác sĩ nội trú Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và ở lại đơn vị từ đó.

Từ nhỏ, anh đã có ước mơ theo ngành y vì thường xuyên chứng kiến cảnh bố đau ốm, nằm viện. Nam bác sĩ chọn gắn bó với ngành hồi sức bởi niềm hạnh phúc đặc biệt anh nhận được mỗi khi cứu sống những ca bệnh nguy kịch.

“Có những bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng thuốc hay HIV rất nặng, gần như không còn cơ hội sống. Có những bệnh nhân thậm chí nơi khác trả về rồi. May mắn cứu được họ, thấy họ khỏe mạnh đi lại, tôi thấy mừng lắm. Đó là điều ý nghĩa nhất luôn giữ tôi ở lại với nghề”, bác sĩ Phúc kể.

{keywords}
"Cứu sống những bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng là niềm hạnh phúc lớn nhất, luôn giữ tôi ở lại với nghề” - Ảnh: N.Liên

Chia sẻ cảm xúc khi được vinh danh trong top 10 gương mặt trẻ Thủ đô năm 2021, bác sĩ Phúc tâm sự rất bất ngờ và vinh dự bởi các đồng nghiệp của anh đều xuất sắc trong quá trình nghiên cứu, điều trị bệnh nhân.

Anh cho rằng bản thân may mắn đại diện cho các đồng nghiệp Khoa Hồi sức tích cực nói riêng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói chung. Những ghi nhận, tình cảm của bệnh nhân, của xã hội là động lực to lớn để các bác sĩ vững vàng hơn trong cuộc chiến với Covid-19 còn nhiều gian nan.

 

Bác sĩ Phạm Văn Phúc (sinh năm 1990, quê Nghi Lộc, Nghệ An), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô năm 2021 vừa được Thành đoàn Hà Nội vinh danh.

Ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, bác sĩ Phúc đã cùng đồng nghiệp tham gia tư vấn cho Bộ Y tế, Chính phủ xây dựng hướng dẫn, phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bên cạnh đó, anh là một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Nguyễn Liên

Hà Nội ghi nhận 1 ca tái dương SARS-CoV-2 sau 13 ngày xuất viện

Hà Nội ghi nhận 1 ca tái dương SARS-CoV-2 sau 13 ngày xuất viện

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2.