Sau hơn 40 ngày Bệnh viện Đà Nẵng - tâm dịch Covid-19, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", VietNamNet có cuộc trò chuyện với Giám đốc Bệnh viện Lê Đức Nhân sau buổi họp giao ban đầu tuần.

Ngày 23/9, Đà Nẵng công bố bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng được ra viện. Bệnh viện Đà Nẵng đã hoạt động bình thường và đón bệnh nhân trở lại. Tuy nhiên, mọi phương án chống dịch vẫn được tuân thủ nghiêm. Ngay từ cổng, người ra vào bệnh viện đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn...

"Trận chiến" rất khốc liệt

Chia sẻ về những khó khăn, vất vả khi mỗi bác sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, lại phải thay người nhà chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ Nhân nói: "Ngay từ khi có ca bệnh đầu tiên, chúng tôi tiên đoán đây là trận chiến rất khốc liệt".

{keywords}
Bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng 

"Xác định vậy nên khi vào trận chiến, chúng tôi luôn cố gắng làm sao giảm tỷ lệ lây lan. Đặc biệt là các bệnh nhân nguy kịch, mắc các bệnh nhạy cảm như chạy thận nhân tạo là vấn đề bệnh viện đặt lên hàng đầu khi phát hiện có ca bệnh đầu tiên", bác sĩ Nhân cho hay. 

Khi dịch Covid-19 đợt 2 ập đến đột ngột, diễn biến rất nhanh, tình trạng bệnh nhân ở Khoa Hồi sức rất nặng. Bởi vậy, bệnh viện xác định đây là những điều nguy hiểm - cần tập trung nhân lực và vật lực.

Tuy nhiên, trong quá trình đối phó dập dịch, việc thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như các vấn đề liên quan đến công tác cách ly dẫn đến việc tập trung nguồn lực là không thể. Ngay từ đầu, nhân lực đã bị tê liệt - đây là khó khăn bệnh viện phải đối mặt.

Theo bác sĩ Nhân, lúc đó, khoa phải cách ly khoa, bệnh nhân phải cách ly bệnh nhân, cách ly từng block nhà ở bệnh viện. Một số nhân viên y tế đã lây nhiễm hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 dẫn tới cách ly nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà. Như vậy, một lượng lớn nhân viên y tế không thể huy động. 

{keywords}
Bệnh viện Đà Nẵng đưa nhân viên y tế đi cách ly

Ban lãnh đạo bệnh viện đưa ra phương án tập trung những nhân lực đã được huấn luyện, phải làm sao để sàng lọc y bác sĩ tiếp tục ở lại viện điều trị cho bệnh nhân.

Trong thời điểm đó, việc xét nghiệm cho hàng loạt nhân viên, bệnh nhân và người nhà được tiến hành có lựa chọn. Bệnh viện phân loại từng nhóm nguy cơ, đánh giá khả năng lây nhiễm ở từng khoa, từng nhóm để đưa ra kế hoạch theo thứ tự. 

Việc phân tầng như vậy là điều phải làm bởi phong tỏa bệnh viện nhưng không thể cách ly tất cả nhân viên. Nếu làm vậy, sẽ không có người chăm sóc bệnh nhân. 

Bác sĩ làm việc quên thời gian

Sau khi cách ly từng khoa, từng phòng, bệnh viện tiếp tục đánh giá trong mỗi khoa. Trong khoa, nhân viên nào có nguy cơ nhiễm cao thì đưa đi xét nghiệm, cách ly. Cùng lúc đó, bệnh nhân và nhân viên làm sàng lọc như nhau rồi bắt đầu đánh giá.

{keywords}
Các y bác sĩ làm việc với khối lượng lớn thời điểm bệnh viện bị phong tỏa

Trong bệnh viện có các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, chữa trị nhiều năm. Hàng ngày, họ đi chạy thận nhân tạo và về nhà nên yếu tố tiếp xúc rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Khi một người mắc bệnh, hàng trăm người khác có thể lây nhiễm. Bởi vậy, thời điểm đó, bệnh viện tập trung cho nhóm chạy thận nhân tạo bằng cách phân tầng bệnh nhân.

“Ở viện có hơn 370 người chạy thận nhân tạo, nếu chậm một nhịp là nguồn lây rất cao. Cho nên chúng tôi phải tách, đưa vào khách sạn cách ly từng phòng, mỗi nhóm gồm 5 bệnh nhân".

"Khi đó, phải bố trí 1 xe 45 chỗ chỉ dành cho 5 bệnh nhân và các bác sĩ sẽ theo từng nhóm. Chúng tôi liên tục xét nghiệm kiểm tra, trong vòng 1 tuần, nhóm nguy cơ cao này ngăn được nguồn lây”, bác sĩ Nhân chia sẻ.

Bởi vậy, thời điểm này có một khối lượng công việc cần làm đồng thời cho tất cả các khoa phòng. Nếu chậm trễ, một khoa sẽ là nguồn lây cho các khoa khác. Toàn bộ nhân viên làm việc với cường độ cao, hơn 200% so với ngày thường.

Có những khoa, nhân viên phải đi cách ly gần một nửa, những người còn lại phải làm tăng lên. Một bệnh nhân cách ly không có người thân thì nhân viên phải kiêm phần việc của người nhà. Họ phải ở trong môi trường cực kỳ nghiêm ngặt, bảo đảm công tác chống dịch, mặc đồ bảo hộ 13 đến 14 tiếng một ngày.

{keywords}
Trong bộ áo quần bảo hộ bịt kín, mọi người vẫn luôn vui vẻ và lạc quan để vượt qua khó khăn

Lúc đó, bác sĩ không chỉ khám chữa mà còn thay người nhà chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ cũng phải liên hệ bệnh viện khác để đưa bệnh nhân đã ổn định đi cách ly, sàng lọc chuyển người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung và liên tục làm các xét nghiệm đối với họ...

"Bệnh viện cũng đưa ra phác đồ điều trị cho mỗi bệnh nhân, các bác sĩ phải liên tục trao đổi chuyên môn với các bệnh viện, làm việc quên thời gian", bác sĩ Nhân chia sẻ.

Một số bệnh viện bị phong tỏa cùng lúc và xác định đợt dịch lần này đột ngột và bất thường, bệnh viện nhận thấy cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đơn vị đã nhận được hỗ trợ kịp thời của Bộ Y tế, đưa các chuyên gia về tập huấn lại. Những người trước đây chỉ chăm sóc bệnh nhân bình thường cũng được đào tạo công tác phòng chống dịch bệnh.

Các quy trình ban hành đã giúp hệ thống hóa lại toàn bộ để Bệnh viện Đà Nẵng nhanh chóng thiết lập đón bệnh nhân bình thường trở lại.

Cả tập thể cùng nắm tay nhau để chiến đấu

Trong thời điểm khó khăn, cùng một lúc có rất nhiều bệnh nhân nặng cần các kỹ thuật cao để điều trị, một số trường hợp cấp cứu, phình não vỡ... Phải làm việc trong trang phục bảo hộ nóng nực và độ khó phẫu thuật rất lớn, các bác sĩ vẫn đồng lòng cùng nắm tay nhau "chiến đấu".

{keywords}
Y bác sĩ bật khóc khi được dỡ lệnh phong tỏa 

Đã có bác sĩ, bệnh nhân bị stress. Bệnh nhân cách ly trong phòng với 4 bức tường, ai cũng trùm kín áo quần bảo hộ để trao đổi nên dẫn tới tâm lý lo sợ. Có những trường hợp vừa tỉnh dậy sau điều trị bệnh nặng bất ngờ khi thấy nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ. Sau đó, y bác sĩ liên tục động viên, làm công tác tư tưởng giúp họ vượt qua.

"Chúng tôi làm việc không nghĩ đến ngày đêm, lúc nào quá mệt mới thay nhau chợp mắt... Nhờ những triển khai đồng bộ mà tuần đầu tiên, bệnh viện gần như cắt đứt được nguồn lây nhiễm", bác sĩ Nhân kể. 

"Trong giờ ăn trước đây, chúng tôi thường ngồi chung, nhưng khi có dịch thì phải chia nhau để ăn. Mỗi người ngồi một góc, hé khẩu trang phải đảm bảo không tiếp xúc bên ngoài nhiều để tránh nguy cơ lây nhiễm. Cảm giác mức độ rất căng thẳng, sinh hoạt cũng có sự cảnh giác". 

"Có nhiều lúc nhân viên mệt mỏi vì sự cố gắng của con người có giới hạn khi phải làm việc trong môi trường, thời gian rất áp lực và nặng nề".

{keywords}
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế và Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Thành Trung chia sẻ niềm vui khi bệnh viện được dỡ phong tỏa

Khi bệnh viện bị phong tỏa, môi trường làm việc khó khăn nhưng các nhân viên y tế đã cùng nắm tay, một lòng chiến đấu chưa có ai lùi bước. Thậm chí nhiều người còn xung phong hết cách ly là đi vào "trận chiến" - đó là những động lực giúp người bệnh yên tâm.

Hiện nay, tình hình dịch lắng xuống, bệnh viện đang kiểm soát chặt chẽ để bệnh nhân yên tâm đến khám và điều trị. Bệnh viện hạn chế không cho người nhà vào nên mật độ giảm rất nhiều, đảm bảo không gian thông thoáng. Qua đợt dịch này, đơn vị thay đổi mô hình chăm sóc mới tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, nhiễm trùng...

Kiều Oanh - Hồ Giáp

Sau 19 lần xét nghiệm, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của Đà Nẵng xuất viện

Sau 19 lần xét nghiệm, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của Đà Nẵng xuất viện

Bệnh nhân mắc Covid-19 cuối cùng ở Đà Nẵng đã khỏi bệnh và được xuất viện sáng nay sau 1 tháng điều trị.