Trong 3 năm (2013-2015), sẽ có 5 tỉnh thành nhận tài trợ 650.000 USD (gần 14 tỷ đồng) để triển khai các biện pháp đối phó với “đại dịch thầm lặng” viêm gan vi rút (HCV).

Vào ngày 9/8/2013 Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd,. (“MSD”) và Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (“PSI”) đã thực hiện lễ trao tài trợ cho dự án “Tăng cường những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan vi rút C tại Việt Nam”. Theo đó, MSD sẽ tài trợ 650.000 USD (gần 14 tỷ đồng) cho PSI để thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ của dự án tại 5 tỉnh thành trong vòng 3 năm từ 2013 - 2015.

{keywords}

Ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam trao tài trợ cho Bà Josselyn Neukom- đại diện tổ chức PSI

Những con số báo động

Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (“WHO”), có khoảng 3% dân số thế giới (180 triệu người) nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Mỗi năm trung bình có thêm từ 3-4 triệu người bị nhiễm bệnh. Ở Đông Nam Á, WHO ước tính có khoảng 32,3 triệu người sống chung với HCV và kể từ năm 2008, ước tính khoảng 5 triệu trong số 33,4 triệu người sống chung với HIV trên thế giới cư trú trong khu vực này.

Đặc biệt, tình trạng đồng nhiễm HIV- HCV đang gây rất nhiều khó khăn trong việc điều trị, không những làm gia tăng chi phí điều trị mà còn làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Hiện nay, ở châu Á có rất ít nghiên cứu dịch tễ học về tỷ lệ đồng nhiễm này.

Theo thống kê, ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có khoảng 2-9 triệu người tiêm chích ma túy (“TCMT”), với khoảng 750.000 người TCMT đang sống chung với HIV/AIDS. Trong đó, đáng báo động là tỷ lệ đồng nhiễm HCV trong số những người TCMT sống chung với HIV/AIDS là 60%-90%. Tại Việt Nam, ước tính từ 26,3% đến 98,5% số người TCMT đang sống với HCV.

Viêm gan vi rút C là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm gan, xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, do người nhiễm HCV không thấy được nguy cơ cũng như thiếu thông tin về đường lây nên chủ quan và chỉ tìm đến sự can thiệp của y học khi ở giai đoạn đã chuyển sang mãn tính hoặc xơ gan. Và điều đáng nói là bệnh viêm gan tại Việt Nam hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa…

Biện pháp ngăn ngừa HCV tại Việt Nam

Bà Josselyn Neukom đại diện PSI cho biết: “Tỷ lệ nhiễm HCV tại Việt Nam khá cao so với các nước khác trong khu vực. Vì thế, các hoạt động của dự án ưu tiên cho những người có nguy cơ mắc bệnh nhằm giúp họ thực hiện được thói quen ngăn ngừa bệnh thông qua việc phát triển hướng tiếp cận thông tin và các dịch vụ phòng ngừa HCV”.

Các hoạt động chính trong dự án bao gồm thực hiện phương pháp tiếp cận, tuyên truyền những thông tin, các sản phẩm và khuyến khích thay đổi thói quen để ngăn chặn bệnh viêm gan C trong nhóm dân số có nguy cơ cao và chưa được chăm sóc đầy đủ. Chương trình sẽ cung cấp các dụng cụ tiêm chích vô trùng cho những nhóm người có nguy cơ cao nhất và tuyên truyền giảm thiểu thói quen sử dụng chung các dụng cụ tiêm chích chung dễ lây lan bệnh.

Ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam chia sẻ: “Vi rút viêm gan C gây ra áp lực đáng kể đối với bệnh nhân nói riêng cũng như toàn hệ thống y tế của Việt Nam nói chung. Phối hợp cùng với PSI thực hiện dự án này chúng tôi hy vọng đóng góp vào việc ngăn ngừa vi rút viêm gan C tại Việt Nam, mang đến những phương pháp phòng ngừa hiệu quả, đồng thời giúp làm giảm gánh nặng điều trị cho bệnh nhân viêm gan vi rút C”.

Minh Thiên