Ngày 9/6, Anh có thêm 7.000 bệnh nhân Covid-19, mức cao nhất tính từ đầu tháng 3. Trong đó có tới 90% ca bệnh liên quan tới biến thể Ấn Độ - hiện được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là biến thể Delta.

Hai vùng Blackburn và Darwen tiếp tục có tỷ lệ nhiễm cao nhất trong cả nước, với 867 ca mắc mới trong 7 ngày tính đến ngày 5/6 - tương đương với 579 ca bệnh trên 100.000 dân. Con số này đã tăng gấp đôi so với tuần trước đó.

Người dân ở các khu vực trên được yêu cầu giảm thiểu việc đi lại. Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tính tới phương án trì hoãn “Ngày Tự do” 21/6 - thời điểm nới lỏng các quy định chặt chẽ để phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, biến thể Ấn Độ đã lây lan sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO đưa B.1.617 vào danh sách biến thể đáng lo ngại.

Chủng virus này được đánh giá có khả năng lây lan nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về độc tính của biến thể.

Một số người cho rằng B.1.617 không khiến bệnh nhân trở nặng hoặc có nguy cơ nhập viện cao hơn. Biến thể có 3 dòng là B.1.617.1, B.1.617.2, B.1.617.3.

Dòng biến thể phổ biến trên thế giới nói chung và nước Anh nói riêng là B.1.617.2 không có đột biến E484Q. Đây là đột biến khiến virus tránh được kháng thể sinh ra từ tiêm chủng vắc xin.

Thực tế cho thấy, trong số các bệnh nhân trở nặng vì dòng biến thể trên, rất ít người được tiêm chủng đầy đủ. Điều này dẫn tới kết luận vắc xin đã giảm nguy cơ trở nặng phải vào bệnh viện điều trị.

Theo thống kê, những người trẻ tuổi dễ bị biến thể Ấn Độ tấn công hơn. Tuy nhiên, giới khoa học chưa xác định được điều này có phải do đặc điểm sinh học của virus SARS-CoV-2 chủng Ấn Độ hay không. Bên cạnh đó, lượng người dưới 21 tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin Covid-19 còn khá nhiều.

An Yên (Theo The Sun)

Biến thể nCoV khiến các nhà khoa học chia rẽ

Biến thể nCoV khiến các nhà khoa học chia rẽ

Các chuyên gia y tế có ý kiến khác nhau về mối nguy hiểm của chủng Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.