Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch  Covid-19 TP.HCM, TP hiện tiêm trên 8 triệu mũi 1 vắc xin Covid-19, hơn 7 triệu mũi 2, gần 2,4 triệu mũi 3 (trong đó 370.000 liều bổ sung, hơn 2 triệu liều nhắc lại). Dự kiến, trong tháng 1, TP tiếp tục tiêm 4 triệu liều vắc xin mũi 3 theo kế hoạch đặt ra.

Trong 20 ngày vừa qua, số tử vong vì Covid-19 của thành phố giảm liên tục. Thống kê những ngày gần đây lần lượt là 30, 31, 26, 25, 21, 20 ca tử vong/ngày. “Ngày 6/1, bệnh nhân Covid-19 tử vong của TP thấp nhất trong 6 tháng qua”, đại diện Ban chỉ đạo nhận định.

Tương ứng, số bệnh nhân nặng đang thở máy ghi nhận 5 ngày gần đây là 335, 228, 228, 316 và 319. Một tuần qua, số ca mắc mới của TP.HCM lần lượt là 569, 384, 662, 664, 448, 442, 489. Biểu đồ đang đi xuống. 16/22 địa phương của TP đã là vùng xanh.

{keywords}
Vùng xanh đã chiếm ưu thế trên bản đồ Covid-19 TP.HCM. 

Trước những dấu hiệu tích cực trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, TP không cần đếm số ca nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày.

“Hiện nay số ca mắc mắc mới rất thấp. Chúng ta cần tập trung vào việc tìm số ca nặng, số người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin, số người bị bệnh chưa được tiếp cận thuốc kháng virus. Những con số ý nghĩa hơn nhiều so với việc đếm ca mắc mới lúc này”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Ông cho rằng, mục tiêu báo cáo số ca mắc mới là xu hướng chung của thế giới từ đầu dịch. Tuy nhiên tùy thời điểm, cần cân nhắc công bố số liệu cần thiết, không để người dân chủ quan nhưng cũng không tạo tâm lý lo sợ. 

“Liên tục nhắc nhở người dân thực hiện 5K và vắc xin phòng bệnh, không được lơ là. Quan trọng nhất là công khai số ca nặng, số người nguy cơ chưa được tiêm vắc xin, vì đây là nhóm sẽ chuyển nặng và có thể tử vong”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Thực tế, khảo sát vừa qua của ngành y tế cho thấy, TP có 25.000 người trên 65 tuổi, có bệnh nền chưa tiêm vắc xin Covid-19. Trong 3 tuần, TP đã kiên trì vận động và tiêm được hơn 54%, tương ứng với 13.874 người. Nỗ lực này nhằm bảo vệ người yếu thế, đặc biệt trước nguy cơ từ biến thể Omicron.

Tuy nhiên, không phải F0 nào cũng là bệnh nhân. Chỉ khi F0 có triệu chứng, cần can thiệp y tế mới cần nhập viện. Vì vậy, khi ca nhiễm SARS-CoV-2 không tạo áp lực lên hệ thống điều trị, số mắc mới không gây ra nhiều lo lắng. Trong 11 ca nhiễm biến thể Omicron tại TP.HCM, 6 ca đã xuất viện, 5 ca còn lại không có triệu chứng. 

{keywords}
Gần 12.000 người trên 65 tuổi, có bệnh nền tại TP.HCM chưa tiêm vắc xin Covid-19.

Một bác sĩ tại trạm y tế lưu động cho rằng, TP có tình trạng cả gia đình mắc Covid-19 nhưng không báo với trạm y tế. Những người này hầu như không triệu chứng và khỏi bệnh sau 7 -10 ngày. Bác sĩ này nhận định, chính vì được chủng ngừa đầy đủ vắc xin Covid-19 nên các F0 không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. "Đây là cơ sở quan trọng nhất để TP có thể ngừng đếm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2". 

Tại Singapore, từ ngày 7/12/2021, Bộ Y tế đã dừng phát thông cáo báo chí cập nhật tình hình Covid-19 hàng ngày vì cho rằng việc cập nhật không còn ý nghĩa. Singapore đang chuyển sang coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Philippines cũng có động thái tương tự kể từ ngày 1/1. Bộ Y tế sẽ ngừng cập nhật tình hình dịch bệnh hằng ngày cho báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội. Thay vào đó, người dân quan tâm có thể theo dõi số tử vong và tỷ lệ nhập viện  trên trang web của Bộ Y tế Philipines.

Tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Phượng, 27 tuổi, quận Phú Nhuận chia sẻ, 1 tháng qua, chị chỉ theo dõi số ca tử vong vì Covid-19. "Trước đây mình sẽ hoảng hốt nếu có người quen mắc Covid-19. Nhưng bây giờ nhìn đâu cũng F0 hoặc cựu F0, muốn tránh cũng rất khó. Mình chỉ mong người già, bố mẹ mình không nhiễm bệnh là được". 

Còn anh Nguyễn Văn Tiệp, 30 tuổi, TP Thủ Đức đã từ bỏ thói quen đọc bản tin Covid-19 mỗi tối trên điện thoại.  "Thông tin dày đặc về Covid-19 khiến mình ức chế, không biết bao giờ mới có thể thực sự gọi là bình thường mới. Mình vẫn phải buôn bán và kiếm sống nên cứ vắc xin và 5K là được. Nhiều người chưa mắc Covid nhưng cứ bị ám ảnh khi Facebook, Tiktok, báo chí về Covid-19 rất nhiều ". 

{keywords}
TP.HCM không còn thực hiện truy vết F0, cách ly tập trung F1 hay lấy mẫu diện rộng.

Ngày 7/1, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, chiến lược hiện nay của TP là sống chung với SARS-CoV-2. Do đó, tất cả các cơ sở y tế đều phải sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Nhi đồng 1 là nơi có khoa Covid-19 đầu tiên trên cả nước với quy mô 150 giường, có phòng mổ áp lực âm và đủ 3 tầng điều trị.

“Thời gian tới sẽ có rất nhiều Khoa hoặc đơn vị Covid ở các bệnh viện hạng 1, bệnh viện đa khoa và cả bệnh viện quận huyện. Điều trị bệnh Covid-19 hay không Covid-19 cũng đều quan trọng và thực hiện song song”, TS Vĩnh Châu khẳng định. Hiện nay, TP vẫn đang đối mặt với biến thể Omicron, số ca nặng vẫn còn, nên nguy cơ dịch tăng cao không thể chủ quan.

“Trong thời gian tới, khi vắc xin phủ nhiều hơn, khi có thuốc đặc trị và các biến thể của SARS-CoV-2 lành tính hơn, hi vọng Covid-19 có thể sớm trở thành một bệnh truyền nhiễm thông thường”, TS Vĩnh Châu kỳ vọng.

Linh Giao