Bình tíu tít, cười nói rộn cả một góc phòng tại Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103. Cậu bé 10 tuổi dõng dạc chào từng bác sĩ, điều dưỡng có mặt tại Trung tâm, không nhầm tên một ai.

Điều dưỡng Trần Hoài Nam vừa trở về từ chuyến công tác nơi đảo xa, đã không gặp Bình trong gần 4 năm. Thế mà cậu bé vẫn chạy lại ôm chầm, líu ríu: “Con chào bác Nam”.

Mỗi khi rảnh rỗi, Bình đều cùng mẹ quay trở lại Trung tâm Nội hô hấp để gặp các cô chú y bác sĩ. Với cậu bé, nơi đây như mái nhà thứ 2 của mình. Từ một đứa trẻ gầy gò, tím tái, không còn nhiều cơ hội sống, cậu bé đã hồi sinh diệu kỳ. Mẹ Bình bảo, cả gia đình chị như đang có một cuộc đời mới.

{keywords}
Bình rất thân với các cô chú bác sĩ tại Trung tâm Nội hô hấp

Cháu Ly Chương Bình (sinh năm 2010, quê huyện Quản Bạ, Hà Giang), từng mắc bệnh phổi mãn tính giai đoạn cuối, là bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam được ghép phổi, cũng là trường hợp đầu tiên nhận thùy phổi từ người cho sống.

Gần 4 năm kể từ tháng 2/2017, khi ca ghép phổi được tiến hành, cháu Bình hiện đã khỏe mạnh, đi lại, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác.

Sau khi hồi phục, Bình và mẹ được các bác sĩ tạo điều kiện cho ở tại khu nhà tập thể của Học viện Quân y để tiện cho việc cấp thuốc và khám định kỳ. Mẹ của Bình được nhận vào làm công nhân tại Trung tâm sản xuất thuốc của Bệnh viện, trong khi đó cháu Bình cũng được gửi gắm theo học ở một trường tiểu học cách đó không xa.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Nhung, Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, hiện tại cứ 3 tháng 1 lần, Bình sẽ được tái khám để kiểm tra lại chức năng hô hấp, chiều cao, cân nặng; tiến hành các xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, chụp X quang phổi và định lượng nồng độ thuốc ức chế miễn dịch để điều chỉnh nếu cần.

Ngoài ra, hàng ngày, cháu vẫn phải duy trì 2 loại thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc thường cấp theo tháng và điều chỉnh liều tùy vào sự cải thiện của cháu.

{keywords}
Bác sĩ Nhung chụp hình cùng cháu Bình

Đến tận thời điểm hiện tại, chị Phàn Thị Tâm (dân tộc Dao, sinh năm 1993) vẫn không thể giấu được sự xúc động khi nhắc lại quãng hành trình đã trải qua cùng con.

Chị Tâm chia sẻ, ngay từ thời điểm Bình được 1 tháng, cháu đã thường xuyên có biểu hiện ho, thở khò khè. Theo kinh nghiệm truyền miệng, gia đình đi hái thuốc Nam cho con uống, nhưng không thấy cải thiện.

Đến khi Bình được 3 tuổi, các triệu chứng nặng dần, chị Tâm đưa con đi khám mới biết cháu bị giãn phế quản bẩm sinh. Từ thời điểm ấy, người mẹ trẻ ôm con chạy chữa khắp các bệnh viện.

4 năm liên tiếp sau đó, cuộc sống của cháu Bình gắn với phòng bệnh. Người chồng ở quê ở nhà làm nương rẫy lo kinh tế, chỉ có chị Tâm ở viện chăm con. Theo thời gian, bệnh tình của cháu ngày một nặng.

Cuối năm 2016, Bình đã ở giai đoạn cuối của bệnh. Cháu gầy gò, xanh xao, môi tím tái, hầu như chỉ có thể ngồi trên giường vì đi lại vài bước lại thấy khó thở, rút lõm lồng ngực.

{keywords}
Chị Tâm không giấu được những giọt nước mắt khi nhắc lại những khó khăn đã trải qua
{keywords}
"Mẹ ơi đừng khóc", Bình thủ thỉ.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Nhung chia sẻ, thời điểm ấy, kết quả khám sàng lọc cho thấy 2 bên phổi của cháu bé đều rỗ như tổ ong, chức năng trao đổi khí rất kém. Nếu không được ghép phối, lẽ tất yếu, cháu không thể duy trì cuộc sống.

Ngày 21/2/2017, ca ghép phổi lịch sử cho bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành. Ca ghép sẽ lấy 2 thùy phổi từ người cho sống, 1 từ bố ruột, 1 từ bác ruột để thay thế cho cả hai lá phổi của cháu bé.

Kíp nhân viên y tế khoảng 100 người được huy động, cùng lúc tiến hành 3 cuộc mổ. 3 kíp phối hợp linh hoạt theo một kịch bản chính xác được định sẵn, có Ban chỉ đạo gồm GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y và GS.TS Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 trực tiếp điều hành.

Sau 10 giờ căng thẳng, đúng 19h, ca phẫu thuật thành công, các bệnh nhân được đưa về phòng hồi sức sau mổ tiếp tục theo dõi.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Nhung cho biết, để đề phòng các tình xuống xấu, 1 kíp trực “hùng hậu” gồm cả chuyên gia Nhật Bản, Ban chỉ đạo, bác sĩ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, bác sĩ hô hấp thay phiên nhau 24/24 để theo dõi từng diễn biến của bệnh nhân.

Người bố và người bác của cháu bé đều có sức khỏe tốt sau mổ. Tuy nhiên, với Bình, khoảng 2 giờ sau khi được chuyển tới phòng hồi sức, cháu đột ngột rơi vào tình trạng giảm oxy máu. Đây là tình huống đặc biệt nghiêm trọng, có thể làm mất chức năng phổi ghép khiến bệnh nhân tử vong.

“Kíp trực đã phát hiện kịp thời và ngay lập tức xử lý. Sau khoảng 1 giờ cấp cứu, cháu đã ổn định trở lại”, bác sĩ Nhung chia sẻ.

{keywords}
Ngày thứ hai sau ca ghép phổi, bệnh nhi đã rút được ống nội khí quản

Ngày thứ 2 sau mổ, Bình đã tỉnh táo trở lại, có thể rút ống nội khí quản, đặt thở oxy lưu lượng cao. Ngày thứ 4 sau mổ, cháu đặt được những bước chân đầu tiên xuống sàn, dù cơ thể còn khá yếu, cần các bác sĩ dìu.

Đến tuần thứ 2, Bình được dừng hẳn thở oxy, chức năng phổi, khả năng trao đổi oxy rất tốt.  Cậu bé có thể tự vận động nhẹ nhàng như đi bộ và tập các động tác hô hấp liệu pháp. Giai đoạn sau này, khi vết mổ ổn định, cậu bé rất hào hứng với các bài tập vận động.

“Thậm chí, cháu còn chống đẩy thắng cả các bác bệnh nhân lớn tuổi”, bác sĩ Nhung cười nhớ lại.

{keywords}
 
{keywords}
Cháu Bình sau ca ghép 2 tuần, rất nhí nhảnh, đáng yêu 

Cậu con trai bé bỏng mạnh khỏe trở lại là niềm hạnh phúc khôn cùng với người mẹ trẻ. Chị Tâm chia sẻ, từ ngày con mắc bệnh, chị chưa có nổi một ngày không lo nghĩ, buồn tủi.

“Tôi đã từng rất tuyệt vọng, sợ hãi, nhưng các bác sĩ đã đem đến cho gia đình tôi hy vọng. Chúng tôi giờ đây như được sống một cuộc đời mới”, chị Tâm xúc động, nói.

Từ ngày Bình khỏe lại, căn phòng nhỏ của hai mẹ con luôn đầy ắp tiếng cười. Cậu bé lanh lợi, đáng yêu, thỉnh thoảng lại chạy đến ôm mẹ, thủ thỉ: “Con yêu mẹ nhất nhà”. Chỉ cần được nhìn thấy con, mọi mệt mỏi của chị Tâm dường như tan biến hết.

Mong ước lớn nhất của chị Tâm hiện tại là con dần dần cải thiện, ổn định hoàn toàn để hai mẹ con được trở về quê, đoàn tụ cùng đại gia đình.

{keywords}
Cuộc sống của chị Tâm giờ đây tràn ngập tiếng cười vì con đã khỏe mạnh trở lại

Do phải điều trị bệnh suốt một khoảng thời gian dài, Bình năm nay 10 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 2. Cậu bé thích nhất môn Toán và Tiếng Việt. Bình thủ thỉ, cháu ước mơ sau này được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, như các cô chú bác sĩ cháu yêu.

Nguyễn Liên

Cô gái mắc viêm tủy xương và hành trình chiến thắng bệnh tật

Cô gái mắc viêm tủy xương và hành trình chiến thắng bệnh tật

Trong những ngày bệnh viêm tủy xương tiến triển nặng, Chinh phải ngồi xe lăn, trải qua giai đoạn “thập tử nhất sinh”. Có lúc cô đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất.