Hiện tại vắc xin ngừa Covid-19 Nanocovax của công ty Nanogen đã sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha 3 trên 13.000 tình nguyện viên và đang hoàn tất những mũi tiêm cuối cùng trước khi có báo cáo đánh giá ban đầu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới.

Để đảm bảo minh bạch trong nghiên cứu vắc xin Nanocovax, trong tuần qua các nhà khoa học của Nanogen đã công bố liên tiếp 2 bài báo khoa học, đăng tải trên hai cổng khoa học dữ liệu mở BioRxiv (ngày 20/7) về các kết quả tiền lâm sàng và MedRxiv (ngày 22/7) về kết quả lâm sàng pha 1-2.

{keywords}
Tiêm vắc xin Nanocovax giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng cho người tình nguyện - Ảnh Nguyễn Hưng

Theo Nanogen, việc công khai dữ liệu thử nghiệm trên các tạp chí khoa học vừa tăng độ tin cậy cho nghiên cứu, vừa để các nhà khoa học trên thế giới cùng tiếp cận đánh giá và góp ý.

Trong bài báo trên trên cổng khoa học dữ liệu mở MedRxiv, nhóm các nhà khoa học của Nanogen đề cập đến tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nanocovax.

Nhóm nghiên cứu báo cáo, Nanocovax là vắc xin protein tái tổ hợp. Glycoprotein tăng đột biến SARS-CoV-2 tái tổ hợp được xây dựng với đột biến 682-QQAQ-685.

Việc sản xuất protein S tái tổ hợp đảm bảo độ tinh sạch với màng lọc nano. Tá dược nhôm hydroxit trong vắc xin được sản xuất bởi Croda (Đan Mạch). Protein S tái tổ hợp được hấp thụ vào tá dược nhôm trong điều kiện lắc nhẹ trong 18 giờ ở 2-8 độ C. Tỉ lệ tá dược nhôm vô trùng là 0,05%.

{keywords}
 Vắc xin Nanocovax - Ảnh Nguyễn Hưng

Trong 2 giai đoạn đầu, Nanocovax thử nghiệm tăng liều, nghiên cứu nhãn mở (giai đoạn 1) và thử nghiệm ngẫu nghiên, mù đôi, có đối chứng với nhóm giả dược ở giai đoạn 2 để đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin ở 3 nhóm nhiều 25mcg, 50mcg và 75mcg.

Tất cả tình nguyện viên tham gia đều được sàng lọc bệnh sử, khám lâm sàng và sinh học, lấy mẫu và xét nghiệm (công thức máu toàn bộ, sinh hóa, phân tích nước tiểu, xét nghiệm thai nghén và chẩn đoán hình ảnh). Những người từng mắc Covid-19 hoặc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đều không đủ điều kiện.

Các tình nguyện viên cũng phải ký cam kết bằng văn bản trước khi đăng ký tham gia thử nghiệm.

Trong giai đoạn 1 (bắt đầu từ 17/12/2020), 60 tình nguyện viên từ 18-50 tuổi được chia 3 nhóm liều, tiêm đủ 2 mũi để đánh giá tính an toàn của vắc xin (mũi 2 cách mũi đầu 28 ngày).

Trong giai đoạn 1, không phát hiện tác dụng nghiêm trọng nào trên các tình nguyện viên. Hầu hết tác dụng phụ ở mức 1 và đều hết ngay sau tiêm.

Đối với nghiên cứu giai đoạn 2, sau khi phân loại ngẫu nhiên, 480 tình nguyện viên được chia đều ở 3 mức liều vắc xin, 80 tình nguyện viên còn lại tiêm giả dược. Học viện Quân y tại Hà Nội và Viện Pasteur TP.HCM đảm trách nghiên cứu.

Các tình nguyện viên khoẻ mạnh có BMI từ 17-35 được chia thành 3 nhóm tuổi: 18-45; 46-60 và trên 60 tuổi, trong đó người cao tuổi nhất là 76.

Sau tiêm, các phản ứng phụ hầu hết nhẹ và đều hết trong 3 ngày đầu, không có tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến vắc xin.

Các phản ứng tại chỗ (vị trí tiêm) được xác định trước bao gồm đỏ, đau, sưng tấy tại chỗ tiêm. Các phản ứng toàn thân gồm sốt, buồn nôn hoặc nôn, nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ và đau khớp.

Cụ thể, tỉ lệ đau tại chỗ tiêm là 32,6% sau mũi 1 và 32,1% sau mũi 2, phản ứng phụ toàn thân chiếm tỉ lệ 27,4% sau mũi 1 và giảm còn 21,8% sau mũi 2.

Trong đó các bất lợi chủ yếu là mệt mỏi, tỉ lệ lần lượt 2 mũi là 16,9% và 13%; đau đầu (13,3%/8,3%) và sốt (3,8%/2,4%). Nhóm nghiên cứu cho biết, tỉ lệ phản ứng không mong muốn ở nhóm vắ xin và giả dược là tương tự nhau.

Có 4 trường hợp được xác định không liên quan đến vắc xin Nanocovax, bao gồm: 1 trường hợp đau thắt ngực (tiền sử đặt stent), 1 trường hợp sốt (được xác định là nhiễm trùng huyết), 1 trường hợp áp xe tại hạch nách trên cánh tay chưa được tiêm chủng và 1 trường hợp bị thương tích cá nhân.

1 trường hợp sốc phản vệ cấp độ 1 nhưng chưa xác định được nguyên nhân do triệu chứng không rõ ràng.

Các bất thường trong phòng thí nghiệm trong giai đoạn 2 bao gồm tăng bạch cầu ở 3 người tham gia, (0,6%), tăng bạch cầu trung tính ở 2 người tham gia (0,4%), tăng ALT (mức 2) ở 3 người tham gia (0,6%) và tăng AST (mức 2) ở 2 người tham gia (0,4%). Các thông số sinh hóa và huyết học khác như hồng cầu (RBC), hemoglobin (HGB), creatinin, bilirubin, thời gian prothrombin (PT) dao động trong giới hạn bình thường (phụ lục 7).

Sau tiêm các tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu máu vào các ngày 28, 35, 42, 90 và 180 để đánh giá khả năng sinh miễn dịch.

{keywords}
Nanogen sử dụng phương pháp protein tái tổ hợp để sản xuất vắc xin Nanocovax - Ảnh Nguyễn Hưng

Nhóm nghiên cứu cho biết, trước khi tiêm, giá trị GMC ở 4 nhóm tình nguyện viên đều ở dưới giới hạn phát hiện. Tuy nhiên GMC anti S- IgG của cả 3 nhóm liều vắc xin Nanocovax tăng dần từ D0 đến D35, D42. Tăng cao nhất ở D42.

Vào ngày thứ 42, GMC của 3 nhóm liều lần lượt là 60,48 U ml [51,12 - 71,55]; 49,11 U/ml [41,26 - 58,46] và 57,18 U/ml [48,4-67,5]. Trong khi đó, GMC của nhóm giả dược ở ngày 35 và 42 lần lượt là 0,29 U/ml [0,25 - 0,33] và 0,29 U/ml [0,25 - 0,32].

Về tỉ lệ huyết thanh, vào ngày thứ 42, 3 nhóm liều vắc xin 25mcg, 50mcg và 75mcg đều đạt tỉ lệ lần lượt là 100%, 99% và 100%.

Về hiệu giá kháng thể trung hoà, ở ngày thứ 42, GMT của 3 nhóm vắc xin tăng 3 lần so với ngày 35, lần lượt là 89,2%, 80% và 95,1%. Trong khi đó, các mẫu huyết thanh của nhóm giả dược tại ngày 35 và 42 không cho thấy hoạt động trung hòa.

Kết quả kiểm tra hoạt tính trung hoà của 112 mẫu huyết thanh được chọn ngẫu nhiên cho thấy, vắc xin Nanocovax chống lại biến thể Anh (B.1.1.7, còn được gọi là biến thể Alpha), ngoài chủng Vũ Hán ban đầu.

Qua giai đoạn 1 và 2, nhóm nghiên cứu chứng minh vắc xin Nanocovax có tính an toàn cao ở mọi nhóm liều. Hầu hết tác dụng ngoài ý muốn và tác dụng phụ nghiêm trọng mức 1 đều hết sau 48 giờ.

Nhóm nghiên cứu kết luận, vắc xin Nanocovax dung nạp tốt và tạo ra các đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn nhóm liều 25mcg cho thử nghiệm giai đoạn 3 để đánh giá hiệu quả của vắc xin.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu thừa nhận, nghiên cứu pha 1 và 2 còn hạn chế do thiếu đa dạng sắc tộc, các thử nghiệm mới thực hiện tại Việt Nam và thời gian theo dõi ngắn, chỉ thực hiện trên các tình nguyện viên khoẻ mạnh.

Nguyễn Hưng