Chị Phạm Thị Vang, 29 tuổi, ở Thái Bình được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu khi đang đang mang thai ở tuần thứ 33. Thông tin này thực sự khiến vợ chồng chị suy sụp.

Ngày 1/6, chị Vang được chuyển vào khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học – Truyền máu TƯ trong tình trạng rất xấu do thiếu máu, tiểu cầu thấp, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi, đe dọa tính mạng cả 2 mẹ con. 

{keywords}
Chị Vang biết tin mình mắc ung thư máu khi đang mang thai ở tuần thứ 33


Dù biết mình mang trọng bệnh nhưng chị Vang tha thiết xin bác sĩ giữ lại thai, cố được ngày nào hay ngày đó để em bé được chào đời.

Để kéo dài thời gian em bé được ở trong bụng mẹ, các bác sĩ luôn theo sát từng dấu hiệu sức khỏe của bệnh nhân và phối hợp với BV Phụ sản TƯ theo dõi thai sản.

Trong 18 ngày nằm viện, chị đã được truyền 9 đơn vị khối hồng cầu, 29 đơn vị tiểu cầu các loại thuộc nhóm O.

{keywords}
Trong hơn 2 tuần nằm điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, chị Vang liên tục được truyền hồng cầu và tiểu cầu để giữ thai

Sang tuần thứ 35, các bác sĩ tiên lượng không thể trì hoãn hơn nữa, nếu cố giữ thai sẽ nguy hiểm tính mạng cả 2 mẹ con nên ngày 19/6, các bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu TƯ chuyển bệnh nhân sang BV Phụ sản TƯ để mổ bắt con. 

Với sự phối hợp chặt chẽ của các y bác sĩ 2 BV, ca mổ lấy thai đã diễn ra thuận lợi, bé gái chào đời, khóc to với cân nặng hơn 2 kg, được vợ chồng chị âu yếm đặt là An Nhiên, mong cuộc đời con sẽ luôn hạnh phúc tựa như tên con.

Trong suốt ca mổ bắt con, chị Vang liên tục phải truyền tiểu cầu. Sau mổ 1 ngày, do tình trạng thiếu máu và có khả năng xuất huyết nặng nên bệnh nhân lập tức được chuyển trở lại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ để điều trị.

Lúc này, vết mổ vẫn còn rỉ máu, chị Vang tiếp tục được truyền thêm 6 đơn vị hồng cầu và 20 đơn vị tiểu cầu.

{keywords}
Sau khi sinh mổ, hiện chị Vang đã quay lại điều trị hoá chất 

 

{keywords}
Trên giường bệnh, hàng ngày chị Vang ngắm nhìn con qua video để có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật


Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất cho biết, nhờ được truyền hơn 60 đơn vị máu và các chế phẩm máu kịp thời, bệnh nhân đã giữ được thai, vượt cạn thành công và hiện đã đủ sức khoẻ để quay lại dùng hoá chất điều trị ung thư máu.

Bé gái sau sinh hiện sức khoẻ rất tốt, đã được ông bà đón về nhà chăm sóc. Hàng ngày trên giường bệnh, chị Vang ngắm con qua video để có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.

Từ ngày vợ nằm viện, chồng chị Vang xin nghỉ việc, hàng ngày túc trực cạnh bên để vừa chăm vợ vừa động viên vợ.

Theo BS Nhật, dịp hè là thời điểm khan hiếm máu, đặc biệt là nhóm máu O, tuy nhiên BV vẫn cố gắng đảm bảo đủ lượng chế phẩm máu nhóm O để điều trị cho bệnh nhân với mong muốn giữ em bé trong bụng thêm từng ngày để bé có thể chào đời khoẻ mạnh.

Với một số chế phẩm máu đặc biệt như khối tiểu cầu pool, để điều chế được một đơn vị cần rất nhiều đơn vị máu bình thường.

Hồi phục sau khi vượt cạn, chị Vang không giấu nổi xúc động: “Nhờ những giọt máu đào của người hiến máu tình nguyện ở khắp nơi mà những người bệnh dù không quen biết như em được cứu sống. Thay mặt những người bệnh, em xin cảm ơn tấm lòng của tất cả những người hiến máu”.

Thúy Hạnh

Giây phút oà khóc khi mẹ con bé Bình An gặp nhau

Giây phút oà khóc khi mẹ con bé Bình An gặp nhau

- Sau 3 tuần kể từ khi chào đời, đây là lần đầu tiên Bình An được mẹ ấp ôm. Người mẹ trẻ rớt nước mắt dặn con: “Ở đây ngoan, bao giờ mẹ khoẻ... mẹ sang”.