"Vỏ bọc" bên ngoài thì giống phái nữ đến 99,9% nhưng những thứ "bên trong" cơ thể lại là nam giới - đó là câu chuyện của những người không biết mình là nam hay nữ và được các bác sỹ tại Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội gọi với cái tên "lưỡng giới giả".

Con số này tuy không phải là nhiều nhưng nếu không được tư vấn, thăm khám và phẫu thuật đúng thời điểm, cuộc sống của họ sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Mà điều thiệt thòi nhất chính là việc họ không được yêu, không được hạnh phúc chỉ vì lỗi của tạo hóa.

Tôi là nam hay nữ?

Với ngoại hình cao ráo, tính cách nhẹ nhàng, duyên dáng, Nguyễn Thị Biển (Ninh Bình) được rất nhiều chàng trai chú ý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đã 35 tuổi, Biển vẫn không chịu nhận lời yêu chàng trai nào. Gia đình sốt ruột giục lấy chồng nhưng chị để ngoài tai.

Nghe người ta bảo, muộn chồng thế phải cắt duyên âm, cất công bỏ tiền sắm lễ vật, bố mẹ chị nhanh chóng đưa con gái đến gặp thầy cúng. Làm đủ mọi cách nhưng tình hình dường như không có gì thay đổi. Bố mẹ giục nhiều cũng chán trong khi chị Biển lại tỏ ra… bình chân như vại.

{keywords}

Được yêu, được hạnh phúc là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người.

Là một người nhút nhát, sống khá kín đáo nên ngay cả những người thân trong gia đình cũng không ai biết rằng, chị Biển đang mang trong mình bí mật đã giữ gìn, thậm chí là chịu đựng hơn chục năm nay. "Nhìn bề ngoài, cô gái ấy cũng xinh đẹp, ngực nở như bao cô gái bình thường khác. Tuy nhiên, chỉ đến khi gặp bác sỹ, được tư vấn, cô mới cởi mở và cho chúng tôi biết những bất thường trong cơ thể", bác sỹ Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình cho biết.

Từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, cô bé Biển đã được mọi người mặc định là con gái. Đặc biệt, khi dậy thì, chị cũng có những rung động với người khác giới. Thế nhưng, trong khi các bạn nữ cùng lứa tuổi nhỏ to chuyện "phụ nữ chúng mình" thì chị chờ mãi… không thấy có kinh nguyệt. Nhận thấy dấu hiệu bất bình thường, chị Biển tự tìm đến khám tại một số bệnh viện.

Chị như chết lặng người khi được bác sỹ thông báo, cơ thể mình không có âm đạo, tử cung và buồng trứng mà lại có tinh hoàn. "Tôi là nam hay là nữ?"- một câu hỏi mà không bác sỹ nào giải đáp được cho chị Biển. Cảm giác hoang mang qua đi nhường chỗ cho sự đau đớn, cô đơn mang theo bí mật cả chục năm khiến chị sống ngày càng khép mình.

Tình cờ đọc được một bài báo, chị Biển đã giấu gia đình về Hà Nội tìm đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn. Theo bác sỹ Phạm Thị Việt Dung, qua thăm khám, cơ thể chị Biển có hình dáng là phụ nữ, ngực phát triển, bên ngoài bộ phận sinh dục có hình dáng giống với nữ tuy nhiên lại không có âm đạo, không có buồng trứng, chỉ có lỗ niệu đạo.

Đặc biệt, tại ổ bụng, các bác sỹ đã phát hiện ra 2 tinh hoàn. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, chị Biển mang nhiễm sắc thể XY (nam giới). Khi nhận thông báo của bác sỹ, mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng cô gái ấy vẫn tỏ ra khá sửng sốt. Tuy nhiên, sau một hồi trấn tĩnh suy nghĩ, chị đã quyết định xin các bác sỹ phẫu thuật tạo âm đạo để chị trở thành một người phụ nữ đúng nghĩa.

Bẵng đi một thời gian, các bác sỹ tại Khoa nhận được tin vui từ chị Nguyễn Thị Biển. Hiện, cuộc sống của chị đã ổn định. Chị đang đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài và đã có người yêu.

Giống như trường hợp chị Biển, chị Nguyễn Ngọc Thanh, SN 1984, trú tại TP Vũng Tàu cũng mới được các bác sỹ tại Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn xác định lại giới tính cho mình sau hơn 30 năm phải mang vẻ bên ngoài là nữ nhưng "bên trong" lại là nam.

{keywords}

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung đang chăm sóc bệnh nhân được phẫu thuật giữ lại giới tính nam.

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, đến tuổi cập kê, Ngọc Thanh được rất nhiều chàng trai để ý đến. Bản thân Thanh cũng thầm thương trộm nhớ một anh bạn cùng lớp. Thế nhưng, khi bắt đầu có những kiến thức về giới tính, Thanh đã phát hiện ra những bất thường trong cơ thể khiến chị không biết mình là nam hay nữ.

Bao nhiêu chàng trai tỏ tình đều phải nhận lời từ chối của Thanh với lý do: dành thời gian cho học hành. Tốt nghiệp phổ thông, Thanh thi đỗ khoa Công nghệ sinh học của một trường đại học. Những kiến thức tích lũy trong quá trình học tập cũng như đọc sách báo, cô gái ấy dần hiểu được rằng "vỏ" bề ngoài của mình là nữ, nhưng "bên trong" là nam.

Đi khám ở nhiều nơi để xác định mình là nam hay nữ, nhưng các bác sỹ cũng không kết luận điều gì. Tìm đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm, Thanh được các bác sỹ thông báo chị mang nhiễm sắc thể XY (nam giới).

Mặc dù vẻ bề ngoài là nữ nhưng chị không có âm đạo, tử cung, buồng trứng mà lại có tinh hoàn. Việc lựa chọn giới tính nam hay nữ do chị Thanh tự quyết định. Sau khi tốt nghiệp đại học, có một công việc ổn định, Thanh đã giấu gia đình, một mình đáp máy bay ra Hà Nội để phẫu thuật tạo âm đạo giúp chị trở thành một người phụ nữ.

"Lưỡng giới giả"- lỗi của tạo hóa

Từ năm 2006 đến nay, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã tiếp nhận gần chục trường hợp đến để xác định giới tính bởi họ không biết mình là nam hay nữ. Độ tuổi của những trường hợp này từ 18 đến 35. Trường hợp trẻ nhất tìm đến Khoa là một sinh viên năm nay vừa tròn 18 tuổi.

Phần lớn họ đi một mình vì tâm lý không muốn ai biết sự bất thường về giới tính của mình. Khi được đặt câu hỏi vì sao có những người tìm đến đây khi đã gần 40 tuổi - có thể gọi là quá muộn như trường hợp chị Nguyễn Thị Biển, Nguyễn Ngọc Thanh thì GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình cho biết, mặc dù họ đã biết cơ thể có những dấu hiệu không bình thường, nhưng lại không biết địa chỉ nào để có thể xác định giới tính cho mình.

{keywords}

Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn là nơi những người bị bệnh “lưỡng giới giả” có thể tìm đến để xác định giới tính.

GS.TS Trần Thiết Sơn cũng cho biết thêm, có những trường hợp chỉ bị dị tật bộ phận sinh dục tức là vẫn mang nhiễm sắc thể XX, có buồng trứng, tử cung nhưng không có âm đạo, âm vật thì các bác sỹ sẽ phẫu thuật tạo các bộ phận sinh dục. Những người này vẫn có thể có con hoặc nhờ mang thai hộ theo luật định.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp bất thường giới tính- "lưỡng tính giả", các bác sỹ sẽ thông báo cho bệnh nhân để họ quyết định giữ lại cho mình giới tính nam hay nữ. Mặc dù có tinh hoàn nhưng tinh hoàn của những trường hợp này bị lạc chỗ, không thực hiện chức năng của mình dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ ung thư nên phần lớn các bác sỹ sẽ chỉ định họ phải cắt bỏ tinh hoàn.

Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Ng, 22 tuổi, trú tại tỉnh Lào Cai. 2 tinh hoàn của Ng đã bị cắt bỏ do có khả năng ung thư. Ng không có ngực, gò má cao, chân tay thô, giọng nói ồm ồm, thích chơi với nam giới và có những rung động với các bạn nữ nên Ng mong bác sỹ giữ lại giới tính nam cho mình.

Đối với trường hợp này, các bác sỹ đã lấy vạt da đùi bên trái cuộn lại thành dương vật, dùng niêm mạc miệng tạo niệu đạo cho bệnh nhân. Vạt da này có cuống động mạch và nhiều dây thần kinh nên bệnh nhân vẫn có cảm giác khi quan hệ tình dục. Sau 3 tháng, các bác sĩ sẽ tiến hành tạo bìu cho dương vật. Khoảng 2 tháng sau, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, rất có thể vẫn còn không ít người không biết mình là nam hay là nữ do họ không được tư vấn, thăm khám và chỉ định phẫu thuật một cách kịp thời. Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, khi nhận thấy những dấu hiệu không bình thường tại bộ phận sinh dục của con cái ngay từ khi sinh ra, bố mẹ nên đưa các cháu đến các bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương; Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Đức… để được khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Lứa tuổi để có thể tiến hành phẫu thuật phù hợp nhất đối với những người "lưỡng giới giả" là 18. Chi phí để thực hiện các xét nghiệm, phẫu thuật không quá tốn kém. Người viết bài này mong muốn, những người "lưỡng giới giả" do lỗi của tạo hóa khi đọc được thông tin kể trên sẽ tìm đến đúng địa chỉ để giúp họ được sống với tình yêu, hạnh phúc bình thường như bao người khác.

(Theo ANTG)