Buộc cao mái tóc để lộ khuôn mặt thanh tú với hai lúm đồng tiền rất duyên, Phạm Thị Hoài (22 tuổi, Hà Tĩnh) rạng rỡ bước ra ngoài gặp bạn bè. Lâu ngày không gặp, các bạn học cùng Hoài từ thời cấp 2, cấp 3 đều rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của cô.

Trước đây, tụi trẻ hay đùa với nhau rằng, dù “trời có sập” cũng không thể kéo Hoài có mặt trong những cuộc tụ tập. Bất đắc dĩ lắm, cô chỉ loáng thoáng góp mặt vào những sự kiện buổi tối và để mái tóc lòa xòa che đi nửa khuôn mặt.

Mọi nguồn cơn cho cả tuổi thơ đầy ám ảnh của Hoài bắt đầu từ năm cô gần 8 tuổi.

Hoài nhớ như in cái lắc đầu ngán ngẩm của vị trưởng khoa Da liễu của một bệnh viện khi cô được bố đưa đi khám: “Bệnh này không thể chữa, không thể cải thiện. Anh mà chữa được cho con, quay lại đây tôi nhường chức cho anh”.

Hoài ngước nhìn bố, thấy gương mặt ông đầy vẻ buồn rầu.

{keywords}
Phạm Thị Hoài giờ đây đã rất tự tin khi buộc tóc cao, để lộ khuôn mặt

Trước đó khoảng 1 năm, Hoài bắt đầu phát hiện trên mép môi có một chấm trắng nhỏ. Tưởng là bệnh lang ben, bố mẹ Hoài đi mua thuốc bôi, thuốc uống về cho con dùng nhưng không thấy hiệu quả.

Dần dần, mảng trắng phát triển thành một vùng lớn từ mép môi sang má phải. Thời điểm lan mạnh nhất, mảng trắng đã dài khoảng 5 cm. Tới khám tại bệnh viện, cô bé được chẩn đoán mắc bệnh bạch biến.

Đây là bệnh rối loạn sắc tố ở da và niêm mạc với đặc trưng là những đốm trắng giảm hoặc mất sắc tố. Các đốm trắng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào của cơ thể, thường gặp ở một số vị trí đặc biệt như mu bàn tay, mặt, cẳng tay, vùng sinh dục.

Bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm hay bệnh nguy hiểm, nhưng lại gây cảm giác mất tự tin cho người bệnh. Trên thế giới và tại Việt Nam, số người mắc bạch biến chiếm khoảng 0,5 đến 2% dân số.

Hoài bảo, vết bạch biến của cô rất nổi bật vì ngày nhỏ cô có nước da ngăm, phần tổn thương lại màu trắng và có viền thâm. Ngoài vết trên mặt, cô còn có thêm một mảng bạch biến nữa ở phía sau tai.

Ngày đi học, Hoài hay bị trêu là “đồ lở mồm long móng” vì mảng bạch biến khác biệt. Tới nỗi sau này, mỗi khi nghe báo đài hay ai đó nhắc đến dịch bệnh ấy, cô đều thấy ớn lạnh, sợ hãi.

Năm đầu nhập học cấp 3, Hoài quen thuộc với những tiếng xì xào khi cô đi ngang qua: “Nó bị làm sao đấy”, “Bị sao mà trông mặt ghê thế”. Đỉnh điểm, một lần, cô bị vài cậu trai chế giễu: “Xấu như Thị Nở ấy”.

Những lời nói đó khiến cô tổn thương và tự ti đến suốt những năm tháng sau này. Khi đi học, Hoài luôn để tóc xõa che nửa mặt và cúi gằm mỗi khi bước đi. Cô chưa bao giờ dám đứng lên phát biểu trước lớp vì sợ bạn bè chú ý.

Hoài chia sẻ, dù vị bác sĩ năm đó nói rằng vết bạch biến không thể cải thiện, cô và gia đình vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng có phép màu. Tháng 3/2020, Hoài tới khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương sau khi nghe tin đã có cơ hội mới cho người mắc bạch biến.

ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, người trực tiếp thăm khám cho Hoài thông tin, cô mắc bạch biến thể đoạn, là thể bệnh ổn định lâu dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.

Bác sĩ quyết định áp dụng phác đồ ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy kết hợp điều trị bằng ánh sáng trị liệu cho bệnh nhân. Bác sĩ Tâm nhấn mạnh, hiện chưa có cách điều trị triệt để bệnh bạch biến. Tuy nhiên với thể đoạn của nữ bệnh nhân 22 tuổi, đây là phương pháp có thể cho hiệu quả lâu dài.

{keywords}
 
{keywords}
Hoài trước và sau ca ghép tế bào tự thân

Đầu tháng 6/2020, Hoài là một trong những bệnh nhân bạch biến đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy.

Trong phòng phẫu thuật, sau khi đo kích thước tổn thương, bác sĩ lấy da ở mặt trước đùi bệnh nhân theo tỉ lệ 1/3 đến 1/10 diện tích mảng bạch biến. Sau đó, miếng da này được đưa vào trong dung dịch, tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào và ghép vào mảng da bị bạch biến. Sau ghép, vùng da này được cố định lại bằng băng gạc.

Tái khám sau 1 tuần, Hoài được tháo băng, chiếu tia cực tím để tăng hiệu quả phẫu thuật. Bác sĩ cho biết, phần da được ghép tế bào tự thân đang đáp ứng tốt.

Tới ngày thứ 20 sau ghép, Hoài bất ngờ khi thấy vết bạch biến trên mặt đã bắt đầu xuất hiện các chấm đen nhỏ. Những chấm này sau đó nhanh chóng lan dần khắp phần da bạch biến, phục hồi sắc tố da cho cô gái.

Bác sĩ Tâm cho biết, lần tái khám gần nhất, sắc tố da của bệnh nhân đã phục hồi trên 90%. Trong 6 đến 12 tháng tới, bác sĩ kỳ vọng Hoài có thể phục hồi 100% mảng da bạch biến lâu năm.

Hoài chia sẻ, cô như có một cuộc đời mới từ khi khuôn mặt không còn hằn nhiều dấu vết của bệnh bạch biến. Trước đây, vì tự ti ngoại hình và khao khát phải kiếm tiền chữa bệnh để thoát khỏi mặc cảm, cô gái phải từ bỏ việc học, tự bươn chải vào Sài Gòn kiếm sống.

Nơi làm việc có hàng trăm nhân viên, nhưng số người biết mặt cô chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hoài lý giải, cô luôn đeo khẩu trang ngay cả trong văn phòng, giờ cơm trưa cũng lủi thủi ăn riêng để tránh bị chú ý.

Hoài hiện đã rất tự tin gặp gỡ, giao lưu cùng mọi người. Cô gái dự định sắp tới sẽ tham gia lớp học làm bánh, sau đó gắng mở một cửa hàng nhỏ và tiếp tục thực hiện những ước mơ còn dang dở.

Nguyễn Liên

Nghị lực của người phụ nữ 11 năm ung thư máu, 2 lần bị trả về

Nghị lực của người phụ nữ 11 năm ung thư máu, 2 lần bị trả về

11 năm mắc trọng bệnh, chị Thắm đã không ít lần trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh. Thế nhưng, chị vẫn luôn sống tích cực, mạnh mẽ và có khát khao lan tỏa tình yêu thương.