Tại buổi khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa sáng 18/4, các chuyên gia đầu ngành tại BV Đại học Y Hà Nội đã hội chẩn cho bệnh nhân ở 4 đầu cầu: BV đa khoa Mường Khương, tỉnh Lào Cai; BV đa khoa TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; điểm cầu tại nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và điểm cầu ở nhà người bệnh mạn tính tại Hà Nội.

Hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho phép người dân có thể kết nối trực tiếp với bác sĩ qua ứng dụng hoặc website bằng cách gọi điện hoặc nhắn tin. Người dân cũng có thể đặt lịch khám, xem lại lịch sử điều trị, đọc các chỉ định của bác sĩ, tương tác với những người cùng bệnh.

Với cơ sở y tế, có thể tương tác trực tiếp với bệnh nhân, quản lý sức khoẻ hàng ngày cho từng bệnh nhân, nhắc nhở lịch điều trị, tư vấn dinh dưỡng, hội chẩn trực tuyến với tuyến trên, cho phép truyền tải trực tiếp hình ảnh siêu âm tin, điện tâm đồ, nhịp tim, huyết áp, soi tai mũi họng, các kết quả xét nghiệm…

Chẩn bệnh cách xa 350 km

Tại điểm cầu BV Đại học Y Hà Nội có đông đảo chuyên gia nhiều lĩnh vực, trong đó có GS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam; PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương…

Trong 4 bệnh nhân, trường hợp nam bệnh nhân 31 tuổi ở Hà Tĩnh khá đặc biệt.

{keywords}

Hình ảnh chụp X-quang phổi được đẩy lên hệ thống hội chẩn trực tuyến để các chuyên gia cùng phân tích

 

Từ đầu cầu BV TP. Hà Tĩnh, BS Trần Nguyên Phú, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh nhân từ Nhật Bản về ngày 1/3 vừa qua, có tiền sử khoẻ mạnh.

Đến ngày 10/3, bệnh nhân có sốt, ho, có đờm, chưa dùng thuốc. Khi đến bệnh viện đa khoa tỉnh thăm khám, bệnh nhân được cách ly 2 tuần do đi về từ vùng dịch nhưng xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Sau điều trị, bệnh nhân đỡ, được ra viện.

Ngày 10/4 vừa qua, bệnh nhân sốt trở lại, vào BV đa khoa TP. Hà Tĩnh kiểm tra. Khi chụp X-quang và CT phổi, bác sĩ phát hiện phổi bệnh nhân bị tổn thương rất đặc trưng, nghi ngờ bệnh nhân mắc Covid-19 nên tiếp tục thực hiện cách ly. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm 2 lần vẫn âm tính với SARS-CoV-2.

“Chúng tôi đang nghi bệnh nhân bị lao phổi, viêm phổi, không loại trừ ung thư”, BS Phú thông tin.

Từ đầu BV Đại học Y Hà Nội, TS Lê Tuấn Linh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh yêu cầu phía BV đa khoa TP. Hà Tĩnh chuyển toàn bộ hình ảnh chụp chiếu cũng như các kết quả lâm sàng lên hệ thống để các chuyên gia cùng hội chẩn.

Qua phân hình ảnh chụp CT phổi, TS Linh phân tích, bệnh nhân bị tổn thương chính ở nhu môi phổi nhưng nhánh phế quản phổi vẫn thông đến phế quản gốc, cho thấy bệnh nhân không có hiện tượng tắc nghẽn đường hô hấp.

Khi phóng to hình ảnh, bác sĩ phát hiện trên phổi xuất hiện các nốt tròn, tổn thương tổ chức kẽ, khẳng định viêm phổi nghi do lao phổi.

“Để chẩn đoán lao, nếu bệnh nhân ho có đờm có thể cấy đờm luôn, nếu ho khan thì lấy dịch trong phế quản, sau đó làm kháng sinh đồ để có phác đồ điều trị chuẩn xác”, TS Linh hướng dẫn.

Vừa nói TS Linh vừa gõ trực tiếp kết luận chẩn đoán lên hệ thống chuyển lại cho đầu cầu Hà Tĩnh.

Khám bệnh ngay tại nhà bệnh nhân

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nữ, 54 tuổi ở huyện Mường Khương, Lào Cai, bị bệnh lý van tim nhiều năm nay. Bệnh nhân từng uống thuốc theo đơn của BV đa khoa huyện nhưng đã hết thuốc 7 ngày nay, chưa đi khám lại được, hiện khó thở nhiều, đánh trống ngực, phù tim nhẹ.

Đầu cầu BV đa khoa huyện Mường Khương đã đưa bệnh nhân đến buổi hội chẩn trực tuyến để nối màn hình siêu âm tim, điện tâm đồ lên telemedicine truyền tín hiệu trực tiếp đến đầu cầu Hà Nội.

GS Nguyễn Lân Việt trực tiếp hội chẩn ca bệnh. Với kết quả hiển thị trên màn hình, GS Việt chẩn đoán bệnh nhân bị rung nhĩ nhanh, là bệnh khá thường gặp.

Hình ảnh X-quang cho thấy, tim bệnh nhân phù to, chứng tỏ áp lực động mạch phổi khá cao, phổi ứ huyết.

{keywords}

Thủ tướng gửi lời động viên đến các bác sĩ 

 

Ngoài ra, GS Việt còn phát hiện bệnh nhân bị hở van 2 lá, van bị vôi hoá toàn bộ, hở van 3 lá nhiều, tăng tình trạng suy tim.

“Bệnh nhân này nếu không được điều trị thì suy tim ngày càng nặng lên, dễ hình thành cục máu đông, bắn tới não gây tắc mạch máu não, tới tim gây nhồi máu cơ tim, tới mạch gây tắc mạch chi”, GS Việt nói rõ.

GS Việt yêu cầu các bác sĩ tuyến dưới tiếp tục dùng thuốc để điều trị nội khoa, tuy nhiên thay một số thuốc và thay đổi liều, đợi bệnh nhân ổn sẽ phẫu thuật thay van 2 lá và sửa van 3 lá. Khi đó, tình trạng bệnh nhân sẽ được cải thiện hoàn toàn.

Trường hợp thứ 3 làm bệnh nhân Hoàng Bùi Chấn, 84 tuổi ở Quảng Trạch, Thanh Hoá, kết nối với điểm cầu Hà Nội ngay tại nhà bệnh nhân. Bệnh nhân có tiền sử bệnh Gout, tăng huyết áp, thi thoảng chảy máu mũi.

Việc chẩn bệnh cho bệnh nhân Chấn được thực hiện qua phần mềm cùng 1 ống nghe có khả năng khuếch đại nhịp tim giúp đầu cầu Hà Nội có thể nghe rõ và 1 ống soi tai mũi họng có kết nối trực tiếp với phần mềm.

Qua hội chẩn, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tăng huyết áp, với huyết áp lên tới 167/93mmHg, hình ảnh nội soi tai mũi họng không thấy bất thường, vì vậy nghĩ nhiều chảy máu mũi do huyết áp cao, yêu cầu bệnh nhân dùng thuốc hạ huyết áp.

Bệnh nhân thứ 4 là Đỗ Văn Hoà, 64 tuổi ở Hà Nội, có tiền sử đái tháo đường nhiều năm. Bệnh nhân gọi điện đến tổng đài BV Đại học Y Hà Nội đề nghị kế nối với bác sĩ điều trại là BS Hồ Thị Kim Thanh.

Sau khi được BS Thanh hỏi han, tư vấn, bác Hoà đã yên tâm điều trị tiếp.

Trong lúc hội chẩn, từ điểm cầu Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trò chuyện trực tuyến với bệnh nhân, động viên bác Hoà giữ gìn sức khoẻ, tuân thủ điều trị.

Bác Hoà cũng chúc Thủ tướng luôn mạnh khoẻ, chỉ đạo các ban ngành và nhân cả nước đồng lòng chiến đấu, chiến thắng dịch Covid-19.

BV Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên thí điểm khám bệnh từ xa cho các đơn vị vệ tinh. Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó triển khai hoạt động này trên toàn quốc, huy động nhiều bác sĩ chuyên môn cao.

Thúy Hạnh

Thủ tướng:  Khám chữa bệnh từ xa là khởi đầu cho câu chuyện lớn hơn

Thủ tướng: Khám chữa bệnh từ xa là khởi đầu cho câu chuyện lớn hơn

- Thủ tướng đánh giá, thực hiện khám chữa bệnh trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa sẽ là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, hướng tới chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, quốc gia thông minh.