Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng.

Ông Kính nhấn mạnh, các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ. Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày, trong khi trước đây  khoảng 1 tuần mới lên tới con số này.

Tuy nhiên, GS Kính cũng cho biết, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với chủng virus ban đầu.

“Thế giới hiện đã cán mốc hơn 16 triệu người mắc Covid-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Điều này chứng tỏ chủng virus mới có tốc độ lây lan rất nhanh nhưng độc lực tương đương với chủng virus cũ.

Do vậy, trong tình hình mới, chúng ta có thể ghi nhận thêm rất nhiều người nhiễm nCoV nhưng tỷ lệ bệnh nhân diễn biến thành nặng, nguy kịch vẫn chỉ là 5%”, GS Kính thông tin.

{keywords}
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam - Ảnh: Đức Anh

Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới , theo ông Kính, sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh Covid-19 một cách hiệu quả.

Theo đó, nếu chúng ta truy vết, cách ly tất cả từ F0 đến F3 thì nguy cơ lây virus ra cộng đồng sẽ khống chế được. Bên cạnh truy vết, cần tạm thời phong tỏa những vùng có nhiều bệnh nhân, thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường các hoạt động dự phòng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên,…

GS Kính nhấn mạnh thêm, việc xuất hiện trở lại các ca lây nhiễm trong cộng đồng không nằm ngoài dự liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới.

“Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn đầu dịch bùng phát. Nếu truy vết, phong tỏa tốt các vùng có dịch, tình hình sẽ dần được kiểm soát”, GS Kính chia sẻ.

Về một số nhận định cho rằng sự xuất hiện của 2 ca nặng đồng nghĩa khu vực đó có ít nhất 10 ca Covid-19, ông Kính cho rằng đây là phân tích đúng về mặt lý thuyết. Bởi lẽ tỷ lệ bệnh nhân tiến triển nặng thường chiếm khoảng 5 đến 10% các ca Covid-19.

Với tình hình 2 ca Covid-19 nặng tại Đà Nẵng là bệnh nhân 416 và bệnh nhân 418, ông Kính cho biết, cả 2 đều tiên lượng rất nặng. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế gồm các giáo sư đầu ngành đang cố gắng hết sức để vượt qua từng thách thức trong điều trị, giống như trường hợp bệnh nhân 91 trước đây.

Bệnh nhân 416 hiện đã được can thiệp ECMO (tim – phổi nhân tạo) và đang tiếp tục được lọc máu, thở máy hỗ trợ. Hiện các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ tử vong vẫn cao.

Bệnh nhân 418 có bệnh lý nền tiểu đường và tăng huyết áp, nhiễm toan nặng, tổn thương thận biểu hiện rõ, bạch cầu tăng, khả năng phải can thiệp ECMO ngay trong hôm nay.

Ông Kính cho biết, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đang dồn sức và có những điều phối quyết liệt, nhanh chóng để điều trị cho các trường hợp này. Bởi lẽ, khi càng nhiều bệnh nhân phải chạy ECMO, vấn đề cung ứng máy móc thực hiện, đội ngũ chuyên gia thực hiện sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Tính đến tối 28/7, Việt Nam đã ghi nhận 438 bệnh nhân Covid-19. Chỉ tính riêng từ ngày 25/7 tới nay, nước ta đã xuất hiện 22 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đều chưa xác định được nguồn lây. Trong đó, TP. Đà Nẵng có 18 ca, Quảng Nam 3 ca, Quảng Ngãi 1 ca.

Nguyễn Liên

Tổng hợp tình hình Covid-19 ngày 28/7

Ghi nhận thêm 7 ca Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam

Ghi nhận thêm 7 ca Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam

Chiều 28/7, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc Covid-19 trong đó có 3 ca ở Quảng Nam, 4 ca ở Đà Nẵng.