Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện đạt 168,1cm, tăng 3,7cm và nữ đạt 156,2cm, tăng 2,6cm so với 10 năm trước. Nếu so thời điểm cách đây 20 năm, chiều cao nam thanh niên đã tăng 4,4cm và nữ tăng thêm 3,6cm

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng chiều cao của Nhật Bản giai đoạn 1955-1995.

“Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ còn tiếp tục tăng”, Bộ trưởng Y tế tin tưởng.

GS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng nhận định, mức tăng trưởng chiều cao của người Việt thời gian qua là rất nhanh.

{keywords}

Với chiều cao hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 4 khu vực ASEAN, xếp sau Singapore (nam cao 171cm, nữ cao 160cm), Thái Lan (nam cao 170,3cm, nữ cao 159cm), Malaysia (nam cao 168,4cm, nữ cao 157,7cm).

Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc hiện là quốc gia có chiều cao nổi bật nhất khi nam thanh niên đạt 173,9cm, nữ đạt 161,1cm, kế đó là Ấn Độ, nam cao 173cm, nữ cao 165cm, vị trí thứ ba là Nhật Bản, nam cao 172cm, nữ cao 158cm.

“Với đà tăng chiều cao hiện nay, trong 15-20 năm nữa, Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan”, Viện trưởng Dinh dưỡng tin tưởng.

Theo GS Tuyên, mức tăng chiều 2cm trong 10 năm đã được cho là nhanh và thường chỉ xảy ra ở các nền kinh tế tăng tốc sau giai đoạn bị kìm hãm do khủng hoảng kinh tế hoặc do chiến tranh.

Hiện một số nước phát triển như Anh, Hà Lan, Na Uy… mức tăng chiều cao chỉ khoảng 0,5cm trong mỗi thập kỷ do đã qua giai đoạn tăng 2cm/10 năm trong thời gian dài.

Lý giải mức tăng chiều cao nhanh của người Việt, GS Tuyên cho biết, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều biện pháp can thiệp trong 2 thập kỷ qua, đặc biệt nhờ chăm sóc 1.000 ngày đầu đời giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chương trình bổ sung vitamin A, phòng chống thiếu máu cho phụ nữ mang thai, dinh dưỡng học đường…

Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tại nước ta đã giảm từ 59% năm 1985 xuống còn 19,6% năm 2020, là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

“1.000 ngày đầu đời là giai đoạn cần can thiệp tích cực nhất để người trưởng thành sau này đạt chiều cao tiềm năng. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này thì không bù đắp được”, GS Tuyên nhấn mạnh.

GS Tuyên cho biết, 1.000 ngày đầu đời tính từ thời điểm thụ thai cho đến khi trẻ 2 tuổi. Trong đó chia nhỏ làm 3 giai đoạn: 9 tháng mang thai, 1 năm đầu đời và 365 ngày năm thứ 2.

Đặc biệt đối với trẻ em, WHO công nhận, chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành.

Cụ thể, nếu một trẻ 3 tuổi bị thấp còi nặng, chỉ cao 81,2cm, đến khi trưởng thành cao tối đa 158cm (dù được chăm sóc tốt về sau). Trẻ thấp còi nhẹ lúc 3 tuổi cao 89,3cm, sau này chỉ đạt đến tối đa 167,3cm và 1 trẻ bình thường lúc 3 tuổi cao 94,5cm thì sẽ đạt đến 170,9cm.

Do đó, trong giai đoạn mang bầu, các thai phụ cần ăn uống đa dạng, bổ sung đủ các vi chất cần thiết và nghỉ ngơi hợp lý.

Khi chào đời, trẻ phải được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Không cần cho trẻ ăn/uống thêm các loại đồ ăn/thức uống khác, kể cả nước trắng.

Từ tháng thứ 7, trẻ cần được ăn thêm đủ các thức ăn sệt và đặc đảm bảo chất lượng và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi để trẻ tiếp tục phát triển khỏe mạnh.

Theo PGS Tuyên, ở Việt Nam, gần 50% bậc cha mẹ mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm quá sớm và thường không đủ chất.

Thúy Hạnh

9 cách tăng chiều cao mỗi ngày ít người biết

9 cách tăng chiều cao mỗi ngày ít người biết

9 cách tăng chiều cao đơn giản mà hàng ngày bạn có thể áp dụng từ dinh dưỡng, luyện tập đến các mẹo nhỏ.

Mẹ hoa hậu cao 1m75, bố 1m58 con sẽ cao giống ai?

Mẹ hoa hậu cao 1m75, bố 1m58 con sẽ cao giống ai?

Yếu tố di truyền có thực sự quyết định đến chiều cao của một đứa trẻ, nhất là khi bố là “chú lùn” còn mẹ là hoa hậu cao tới 1,75m?.