Cấn đề ATTP dịp Tết luôn nóng

Theo báo cáo của Bộ Công thương, vào các tháng cận và trong Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, sức mua trên thị trường với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường. Dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sức mua cũng tăng tương tự như năm 2019.

Sức mua thực phẩm tăng cao tập trung ở các sản phẩm như các loại thịt, cá, trứng; các loại bánh mứt kẹo và các loại đồ uống. Do đó, vấn đề đảm bảo ATTP cần được siết chặt để mọi người dân có một cái Tết vui vẻ và khỏe mạnh.

{keywords}
 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn tiến hành thanh tra, kiểm tra ATTP tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Thực tế nhiều năm cho thấy, rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lợi dụng nhu cầu tiêu thụ dịp Tết tăng cao mà cung cấp tới người tiêu dùng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu; thực phẩm sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản không đúng quy định trong danh mục cho phép; thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn sử dụng; thực phẩm được chế biến không đảm bảo vệ sinh ATTP;…

Thêm vào đó, nhiều người nội trợ còn thiếu kiến thức về ATTP, không biết cách lựa chọn thực phẩm, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách, dẫn đến xảy ra ngộ độc thực phẩm. Trong khi tình hình thời tiết dịp Tết khá khắc nghiệt, miền Bắc mưa ẩm giá rét, còn miền Nam thì khô hanh nóng bức.

Thực hiện loạt hoạt động tăng cường đảm bảo ATTP

Trước tình hình Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội xuân năm 2020 đang đến gần, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã ban hành Kế hoạch số 1288/KH-BCĐTƯATTP hướng dẫn công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra về ATTP.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm hạn chế tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm, đấu tranh chống buôn lậu và nâng cao nhận thức của người dân về việc đảm bảo vệ sinh ATTP. Thời gian áp dụng: Từ 15/12/2019 - 25/3/2020 trên phạm vi toàn quốc.

{keywords}
 Hoạt động kiểm tra chéo công tác đảm ATTP năm 2019 tại các địa phương.

Theo đó, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có những động thái đầu tiên để thực hiện Kế hoạch số 1288. Sở Y tế Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu, báo cáo tình hình đảm bảo ATTP cho UBND thành phố trước ngày 5/12/2019. Còn Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP dịp Tết trên địa bàn.

Tại tỉnh Lạng Sơn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đảm bảo ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện nhiều sai phạm; kiểm tra giám sát công tác đảm bảo ATTP tại các huyện. Tại tỉnh Đắk Nông, trong tháng 11/2019, đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP đã tiến hành kiểm tra tại 35 cơ sở bếp ăn tập thể ở trường học, phát hiện 6 cơ sở vi phạm.

Trong tháng 11/2019 các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm một số tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra chéo công tác đảm bảo ATTP năm 2019 như: Ban quản lý ATTP TP.HCM kiểm tra chéo tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh kiểm tra chéo tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai. Từ đó, đưa ra những trao đổi, đóng góp lẫn nhau để thực hiện công tác đảm bảo ATTP, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới.

{keywords}
 Cục An toàn thực phẩm tổ chức tuyên truyền cơ động, cổ động và phát tờ rơi về ATTP tại hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chủ động tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về ATTP tại hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định trong tháng 11/2019, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo ATTP, biến hành động này trở thành ý thức thường xuyên của mỗi người.

Cục ATTP cũng đã đưa ra cảnh cáo vi phạm và thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố và giấy xác nhận nội dung quảng cáo với nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về ATTP trong thời gian gần đây.

Doãn Phong