Nhận được tin chiều 8/10 sẽ rời TP.HCM, BS Đỗ Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nhẩm tính anh chỉ mất khoảng 15 phút để thu xếp hành lý.

Lúc vào TP.HCM chống dịch, nam bác sĩ mang 7 bộ quần áo hàng ngày nhưng không dùng đến, trang phục thường xuyên của anh là đồ bảo hộ kín mít. Hầu như hành lý vẫn còn nguyên trong vali.

{keywords}
BS Đỗ Anh và đồng nghiệp là các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vào chi viện tại TP.HCM.

Không quá căng thẳng khi vào tâm dịch bởi theo anh, các nhân viên y tế sẽ được đảm bảo về bộ phòng hộ (PPE) chuẩn và đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

“Nhiều lần chứng kiến con đi công tác nên lúc nghe tin, mẹ tôi chỉ dặn: “Đi cẩn thận”. Như nhiều dịp rời nhà trước đó, tôi cùng mẹ lên tầng thắp hương cho người bố đã khuất rồi lên đường”, BS Đỗ Anh nói.

Về quãng thời gian 50 ngày (từ 18/8) khi cùng gần 200 y bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai chi viện cho TP.HCM, nam bác sĩ thừa nhận: "Đó là những trải nghiệm không thể chia sẻ hết bằng ngôn từ…”.

Lời cảm ơn theo cách đặc biệt của người bệnh Covid-19

BS Đỗ Anh được phân làm việc tại phòng số 9 đơn vị Hồi sức tích cực 2, BV dã chiến số 16. Làm việc với các ca Covid-19 nặng, sự giao tiếp giữa bác sĩ với bệnh nhân là một điều khó khăn.

“Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, chủ yếu thở oxy, HFNC dòng cao trong khi đó chúng tôi mặc đồ bảo hộ nên khó nói chuyện.  Không đối diện để tránh lây nhiễm, bác sĩ thường đứng cạnh, 2 người cùng nhìn một hướng để giao tiếp”, anh kể.

{keywords}
Trước khi vào tâm dịch, các bác sĩ thường 'xuống tóc' để hạn chế nóng bức khi mặc đồ bảo hộ.

Nhưng họ lại có một cách “nói chuyện” khác đặc biệt hơn. Có những F0 chuyển biến tốt, họ chờ đến ca trực của anh. Nhìn thấy bác sĩ, hai bàn tay chắp vào nhau, họ cúi đầu cảm ơn bác sĩ.

“Chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng tôi rất xúc động. Tôi hiểu họ rất tôn trọng và quý người đã giúp mình vượt qua bệnh tật. Không biết bày tỏ thế nào, họ chỉ thể hiện được bằng cái chắp tay đó”, anh nói.

50 ngày chống dịch ở TP.HCM, đọng lại trong bác sĩ này còn là những kỷ niệm của người đã khuất. Một người bạn của anh Đỗ Anh có bố mắc Covid-19. Người bệnh được chuyển vào Bệnh viện dã chiến 16. Cao tuổi và có bệnh nền, ông không thể vượt qua.

Khi bố mất, người con gái nhờ anh Đỗ Anh tìm lại kỷ vật là chiếc điện thoại - kỷ vật cuối cùng của bố. “Đây là việc rất khó vì người bệnh chuyển từ BV Hùng Vương sang. Ngoài ra, những ngày cuối, bệnh nhân hôn mê, điện thoại hết pin, thất lạc. Hầu hết các điện thoại hết pin đều được gom lại một chỗ. Hiểu được mong muốn của người thân bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức chương trình trao lại kỷ vật cho người nhà”.

Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên y tế, kỷ vật của người cha đã qua đời cũng về được với người thân của ông. “Chứng kiến những vật dụng gần gũi nhất, ở cạnh phút cuối đời của người bệnh được trao cho người nhà là giây phút khó quên đối với tất cả y bác sĩ”, anh nói.

‘Mục tiêu đóng cửa phòng số 9’

50 ngày chi viện cho TP.HCM, cuộc sống của anh hoàn toàn gắn bó với căn phòng số 9, nơi đón các bệnh nhân ở phòng hồi sức 1, hồi sức 2 được chuyển lên để thở oxy, thở HFNC. Nếu tình hình bệnh nhân chuyển biến tốt, họ sẽ được chuyển xuống dưới và ra viện. Ngược lại, bệnh nhân trở nặng sẽ phải đặt ống thở và chuyển lên những phòng trên để thở máy và các kỹ thuật hồi sức tích cực cao.

{keywords}
BS Đỗ Anh (trái) trong một ca trực.

“Ngày đi làm đầu tiên ở bệnh viện là ca 3 với gần 7 tiếng mặc đồ bảo hộ PPE liên tục, về phòng khách sạn pha cà phê vẫn thấy mùi thơm, chứng tỏ mình chưa mất khứu giác là ổn rồi”, anh nói vui về đêm trực đầu tại Bệnh viện dã chiến 16.

Theo anh Đỗ Anh, tháng đầu vào TP.HCM, thời tiết nắng nóng là nỗi ám ảnh với các y bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ. Dù không muốn đề cập nhiều đến nỗi vất vả của ngành y tế, anh Đỗ Anh vẫn thừa nhận, không ít người bị sụt cân vì công việc căng thẳng, rối loạn giấc ngủ…

“Chúng tôi chia ca kíp. Ca 1 và 2 là 7 tiếng và ca tối là 10 tiếng. Nhờ bọc lót, hỗ trợ nhau nên công việc rất hiệu quả”, anh nói.

Cũng theo BS Đỗ Anh, thời gian đầu, số lượng bệnh nhân vào phòng lên đến hàng trăm người/ngày, trên 50% là bệnh nhân nặng. Tuy nhiên gần đây, các bệnh nhân vào phòng giảm, chỉ khoảng 10-20 người/ngày.

“Những ngày này, chúng tôi bận rộn tóm tắt bệnh án cho bệnh nhân ổn định để chuyển viện, ra viện, với mục tiêu là đóng cửa phòng 9 huyền thoại”, anh chia sẻ.

Những mớ rau của người Sài Gòn

“Người dân TP.HCM rất hào sảng, nhiệt tình”, bác sĩ Đỗ Anh khẳng định dù thời gian của anh hầu hết là ở bệnh viện và khách sạn lưu trú.

Khi biết anh vào TP.HCM chi viện, một người bạn cũ là bác sĩ ở đây đã gọi điện. Chị hỏi anh có thiếu gì không, anh trả lời: “Em thèm rau lắm” vì lúc đó thành phố đang khan hiếm thực phẩm, rau là món ăn xa xỉ.

{keywords}
 
{keywords}
Những món quà từ một người bạn ở TP.HCM

“Giữa lúc TP.HCM phong tỏa, thiếu thốn đủ bề, một thùng rau sạch là đủ biết tấm lòng của con người ở đây dành cho chúng tôi”, anh Đỗ Anh nói.Sau cuộc điện thoại, 2 vợ chồng người bạn đã khệ nệ chở một thùng rau, củ, quả lớn đến tiếp tế cho các bác sĩ. Anh Đỗ Anh chia cho các đồng nghiệp mỗi người mấy gói. Anh cũng dùng chiếc nồi mang từ Hà Nội vào để luộc một mớ rau, cải thiện bữa ăn.

Ngày trung thu, anh còn nhận được những món quà đậm chất mùa thu Hà Nội như bánh nướng, bánh dẻo, những quả bưởi. Từ một gói hạt đậu nhỏ được một đồng nghiệp nữ cho, anh Đỗ Anh ươm trong 2 chiếc chai nhựa. Theo anh chia sẻ, đây là cách tạo “bonsai đậu” để có màu xanh trong phòng khách sạn.

{keywords}
Góc nhỏ để thư giãn tại khách sạn lưu trú của bác sĩ sau mỗi ca trực.

“Tập thể dục, tưới nước cho đám cây non, đọc sách cũng là cách giải trí sau một ngày làm việc. Tôi còn ít hạt dành mang về khách sạn cách ly ở Hà Nội để gieo tiếp”, anh cười.

Sau khi về Hà Nội, anh Đỗ Anh chọn cách ly tập trung để giữ an toàn, bảo vệ gia đình và hàng xóm khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19 nếu có. “Mình đi chống dịch về, không thể chủ quan trước sự an toàn của tổ ấm mình được”, anh nói.

“Sau khi cách ly, chúng tôi có thể sẽ phải bắt tay vào công việc ở bệnh viện luôn. Nhưng điều đó tính sau, việc đầu tiên khi được về nhà là ôm 2 con vào lòng, thật chặt và thật lâu”, anh cười nói.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Ngọc Trang

Rút lực lượng chi viện chống dịch khỏi TP.HCM trước 15/10

Rút lực lượng chi viện chống dịch khỏi TP.HCM trước 15/10

Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực vì vậy Bộ Y tế đề nghị thành phố sắp xếp để nhân lực hỗ trợ được trở về địa phương công tác.