Ban chỉ đạo phòng chống dịch cho biết, từ ngày 16/10 đến sáng 25/11, Đà Nẵng ghi nhận 660 ca Covid-19, trong đó 77 ca về từ tỉnh, thành phố khác.

Riêng ngày 24/11, Đà Nẵng ghi nhận 60 trường hợp mắc Covid-19; trong đó, 10 ca cách ly tập trung, 23 ca cách ly tại nhà, 1 ca trong khu phong tỏa, 1 ca về từ ngoại tỉnh và 25 ca chưa cách ly.

Trong 25 ca chưa cách ly, có 9 trường hợp được lấy mẫu tại Công ty Hữu Nghị liên quan F0 L.V.T dương tính với SARS-CoV-2 trước đó.

Toàn thành phố đang thiết lập 133 khu vực phong tỏa với 1.056 hộ (4.433 nhân khẩu); duy trì 16 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 860 người.

Trước tình hình các ca bệnh có nguy cơ bùng phát, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến cho hay, hiện các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc xử lý trường hợp phát hiện F0 tại cơ quan, nhà máy, nhất là trong việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh.

{keywords}
Đà Nẵng hướng dẫn cách xử lý F0 phát hiện trong cơ quan

UBND TP đề nghị Sở Y tế phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình thực hiện các quy định phòng chống dịch, nhất là trong trường hợp có F0 trong cơ sở sản xuất kinh doanh.

Sáng nay, Sở Y tế TP Đà Nẵng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh phải thực hiện và chuẩn bị nhiều phương án phòng chống dịch; trong đó cần xây dựng quy trình xử lý các tình huống phát hiện F0, F1, nghi mắc Covid-19; tình huống được thông báo có F0, F1 từng đến cơ sở kinh doanh theo các quy định, hướng dẫn hiện hành và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm; bố trí khu vực cách ly đảm bảo quy định của Bộ Y tế.

Cùng với đó, cơ sở sản xuất kinh doanh cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động; rà soát, thiết lập hệ thống camera tại những nơi tập trung đông người để truy vết khi cần thiết; thành lập Tổ Y tế, Tổ Covid-19 doanh nghiệp; thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch.

Cơ sở sản xuất có phương án quản lý, yêu cầu người lao động cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi lưu trú. Người lao động tiếp xúc với F0/người nghi ngờ là F0, có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải báo ngay cho Tổ Y tế, Tổ Covid-19 doanh nghiệp…

Sở Y tế cho biết, quy trình xử lý khi phát hiện người mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm các bước. Thông tin, báo cáo, xử lý ban đầu; trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn tổ chức đoàn làm việc với cơ sở sản xuất, kinh doanh để kiểm soát dịch; cơ sở sản xuất, kinh doanh phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tổ chức xét nghiệm; xử lý các F1, các trường hợp liên quan; lập danh sách người lao động là F1, F2, các trường hợp khác không có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh, thông báo cơ sở y tế nơi người lao động đang cư trú để xử lý theo quy định; khử khuẩn khu vực F0 đang làm việc, sinh hoạt từng đến…

Đến nay TP đã tiêm 1.556.310 mũi, trong đó có 939.212 người tiêm mũi 1 và 617.098 người tiêm mũi 2. 

Đà Nẵng là 1 trong 6 địa phương (gồm TP.HCM, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh) đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Nguyễn Hiền