- Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu nào gợi ý rõ ràng và đa số các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác.

Theo PGS TS BS Nguyễn Tuấn Vinh - Trưởng khoa Niệu B Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), nếu được phát hiện, điều trị sớm tại cơ sở y tế có năng lực và bệnh nhân tuân thủ quá trình trị liệu thì ung thư tuyến tiền liệt là ung thư đáp ứng điều trị tốt.

1. Không phải mọi phì đại tuyến tiền liệt đều là ung thư

Ung thư tuyến tiền liệt là do sự sinh sôi quá mức của các tế bào tuyến tiền liệt. Tuy nhiên không phải cứ sinh sôi quá mức tuyến tiền liệt là ung thư.

Trong tuyến tiền liệt có thể xuất hiện đồng thời ung thư tuyến tiền liệt lẫn phì đại lành tính tuyến tiền liệt và đây là hai loại bệnh lý riêng biệt không như một số người lo ngại phì đại tuyến tiền liệt để lâu sẽ thành ung thư.

{keywords}
Ung thư tuyến tiền liệt qua các giai đoạn

Ung thư là tình trạng một nhóm tế bào sinh sản không kiểm soát gây ảnh hưởng đến hoạt động các tế bào chung quanh và lan tràn ra các cơ quan khác trong cơ thể (hiện tượng di căn).

2. Ung thư thường tiến triển chậm nhưng có thể diễn tiến thất thường

Ung thư tuyến tiền liệt đa số là tiến triển chậm và người bệnh có thể sống nhiều năm nhưng vì bệnh này có nhiều dạng diễn tiến thất thường nên muốn biết các nguy cơ tiến triển của ung thư phải dựa vào nhiều yếu tố như: giai đoạn tiến triển của bệnh, số lượng loại tế bào ung thư ác tính.

Do đó, người bệnh cần tuân thủ tốt trong thời gian điều trị.

3. Một số dấu hiệu nghi ngờ

Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu nào gợi ý rõ ràng và đa số các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác.

Tuy nhiên, nếu phát hiện mình có một số các triệu chứng sau thì nên đi đến các cơ sở y tế chuyên về niệu khoa để được thăm khám và chẩn đoán:

 - Tiểu khó, tiểu lắt nhắt

 - Nước tiểu có máu nhưng thường lượng máu rất ít, mắt thường khó phát hiện được mà phải nhờ đến xét nghiệm.

 - Tuyến tiền liệt to hơn bình thường và có thể sờ thấy một nhân cứng. Để biết cần phải khám tuyến tiền liệt.

 * Khi bệnh tiến triển nặng có thể gặp các triệu chứng như:

 - Phù hai bàn chân

 - Tiểu không tự chủ hay bí tiểu

 - Đau nhức xương hay có thể bị gãy xương khi gặp một chấn thương nhẹ

4. Làm thế nào để phát hiện sớm?

Vì ung thư tuyến tiền liệt thường xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên và bệnh không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn đầu nên để phát hiện bệnh sớm, nam giới trên 50 tuổi cần khám tầm soát ung tuyến tiền liệt hàng năm.

Nếu gia đình có cha, anh ruột bị ung thư tuyến tiền liệt thì nên chủ động đi khám tuyến tiền liệt mỗi năm từ tuổi 40.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt thông qua việc khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng như tiến hành thăm khám qua hậu môn, trực tràng; sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của siêu âm qua trực tràng và xét nghiệm máu.

{keywords}
Nam giới trên 50 tuổi cần tầm soát ung thư hàng năm

5. Phương pháp điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt, tùy thuộc vào từng giai đoạn mà bác sĩ lựa chọn, kết hợp các phương pháp khác nhau nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Xu hướng hiện nay là cá nhân hóa điều trị để việc điều trị đạt kết quả cao nhất, do đó tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng.

- Phẫu thuật: Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này áp dụng nhằm điều trị triệt để ung thư khi còn khu trú trong tuyến tiền liệt.

- Điều trị nội tiết: Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư nhạy với nội tiết tố nam nên nếu bằng cách nào cắt nguồn cung cấp nội tiết nam thì khối u sẽ ngừng phát triển.

Khoa học đã ứng dụng đặc tính này trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hay dùng các loại thuốc có tác dụng ức chế, làm giảm nồng độ nội tiết nam ngang bằng với phương pháp cắt hai tinh hoàn nhằm cắt nguồn cung cấp nội tiết tố nam.

- Xạ trị: Chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Có thể chiếu xạ từ ngoài vào gọi là xạ trị ngoài, hoặc cấy các hạt phóng xạ vào trong lòng tuyến tiền liệt gọi là xạ trị trong.

- Hóa trị: không bao giờ là phương pháp điều trị tận gốc đối với ung thư tuyến tiền liệt. Hóa trị chủ yếu là điều trị khi ung thư không còn nhạy với điều trị nội tiết mà trong y khoa gọi là giai đoạn kháng cắt tinh hoàn.

Hiện nay đối với ung thư có độ ác tính cao các nghiên cứu cho phép điều trị nội tiết phối hợp với hóa trị sớm cho kết quả tốt hơn.

Các phương pháp mới khác: Miễn dịch, đồng vị phóng xạ, các loại thuốc mới cũng được nghiên cứu và ứng dụng điều trị ung thư tuyến tiền liệt, mang lại kết quả tốt hơn, kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân.

Nhạc sĩ của những bản Bolero ngọt ngào qua đời vì ung thư tuyến tiền liệt:

Ngày 19/7, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua đời sau hai năm chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, hưởng thọ 73 tuổi.

Vào tháng 8/2015, ông phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Thời điểm được thông báo cũng là lúc bệnh di căn đến gan và xương.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm 1944 tại Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Ông là nhạc sĩ dòng nhạc vàng thế hệ đầu tiên của Việt Nam, nổi tiếng với loạt nhạc phẩm để đời như: Giã từ, Giăng câu, Sao nỡ đành quên, Sài Gòn về đêm, Xót xa, Nhớ người tình phụ...

Văn Đức