PGS.TS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hoá, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, nam bệnh nhân Nguyễn Duyên H., 57 tuổi, ở Bắc Giang đến khoa Phẫu thuật hậu môn trực tràng khám khi không có triệu chứng đau đớn nhưng sút cân nhiều, người mệt mỏi, đau tức vùng hạ vị kèm theo chứng đại tiện khó, khuôn phân dẹt có nhầy máu.

Qua thăm khám và đánh giá trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận thấy cách mép hậu môn 3cm có khối u GIST khổng lồ trực tràng bề mặt sần sùi, mật độ chắc, chiếm hết lòng trực tràng.

{keywords}
Khối u cắt ra từ đại tràng có kích thước rất lớn 


PGS Dương đã cùng ekip phẫu thuật cắt bỏ u trực tràng cho bệnh nhân. Do khối u lớn, bác sĩ phải mổ 2 đường gồm đường bụng và đường hậu môn. Đối với đường bụng, các bác sĩ phẫu tích di động trực tràng và khối u khỏi các cơ quan lân cận, đây là công đoạn khó khăn nhất trong phẫu thuật do trường mổ rất hẹp.

Tại đường hậu môn, bác sĩ phẫu tích giải phóng trực tràng ngược lên gặp đường phẫu tích ở đường bụng để di động hoàn toàn trực tràng khỏi tiểu khung.

Khối u được cắt bỏ có kích thước lên tới 5,5 cm x 13,5 cm. Đánh giá trong mổ cho thấy, toàn bộ tiểu khung là khối u bít chặt, đè đẩy vào niệu quản 2 bên và động mạch chậu.

Sau 7 ngày phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã được ra viện, tuy nhiên khi sức khoẻ ổn định sẽ quay trở lại điều trị hoá chất.

PGS Dương cho biết, bệnh lý hay còn gọi là GIST là một loại sarcoma. Sarcoma là ung thư của các mô liên kết và xương. Phẫu thuật kịp thời có thể chữa khỏi căn bệnh Gist, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời thì Gist cũng có thể gây tử vong. 

Khối u GIST có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa, trong đó phổ biến nhất ở dạ dày, chiếm 60-70%; ở tá tràng- ruột non là 20-30%, đại trực tràng 5%, thực quản và phần khác chiếm dưới 5%.

Triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước khối u cũng như vị trí mà khối u phát triển. Một số triệu chứng phổ biến thường gặp bao gồm: Có máu trong phân do khối u bị loét, đau hoặc khó chịu ở bụng, buồn nôn và nôn, có thể tự sờ thấy u, khó nuốt, người mệt mỏi suy nhược, đầy bụng sau ăn 1 lượng nhỏ thức ăn, thậm chí có thể sờ thấy u...

Độ tuổi phổ biến thường xuất hiện khối u mô đệm đường tiêu hóa là từ 50-80 tuổi. Mặc dù khối u mô đệm đường tiêu hóa hoàn toàn có thể gặp ở những người dưới 40 tuổi, nhưng rất hiếm.

Đến nay, nguyên nhân chính xác của các khối u mô đệm đường tiêu hóa hiện chưa được biết rõ, mặc dù những khối u này có liên quan đến các yếu tố nguy cơ được nhắc đến như độ tuổi, giới tính, di truyền, lối sống sinh hoạt...

Để phát hiện sớm bệnh u mô đệm đường tiêu hoá, người dân cần khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt là được nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra.

Thúy Hạnh

Nam sinh 18 tuổi ở Nghệ An mắc 3 bệnh ung thư cùng lúc

Nam sinh 18 tuổi ở Nghệ An mắc 3 bệnh ung thư cùng lúc

- Sau 2 tháng mổ u não, nam thanh niên tiếp tục phát hiện ung thư tá tràng rồi ung thư đại tràng, là ca bệnh rất hiếm gặp.