TS.BS Phạm Tiến Chung, PGĐ Trung tâm Ung bướu, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, khi đến viện khám, bệnh nhân Đỗ Văn T., 64 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ hoàn toàn khoẻ mạnh, vẫn sinh hoạt, đi làm và ăn uống tốt.

Tuy nhiên, ông T. đột nhiên bị đi tiểu ra máu, liên tục cả ngày. Ban đầu gia đình không nghĩ bệnh quá nghiêm trọng nên để ở nhà, đến khi tình trạng nặng thêm mới đưa ông T. đến viện khám. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư thận, đã di căn vào phổi khiến cả gia đình đều sốc.

BS Chung cho biết, khối u ở thận của ông T. có kích thước rất lớn, xâm lấn, phá vỡ các mạch máu gây chảy máu không ngừng, đồng thời khối u đã di căn lên phổi nên không thể phẫu thuật. 

{keywords}
BS Chung thực hiện đốt u cho bệnh nhân T. giúp khối u có thời gian ổn định dài hơn, kéo dài thêm sự sống


Biện pháp điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn này là điều trị toàn thân kết hợp điều trị giảm nhẹ triệu chứng tại chỗ giúp cầm máu, cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sống thêm tối đa cho người bệnh.

Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc cầm máu thông thường, do vậy bác sĩ phải chỉ định xạ trị liều cao ngắn ngày để cầm máu. Tình trạng tiểu ra máu sau đó đã giảm rõ rệt.

Phương pháp cuối cùng, để duy trì sự ổn định của khối u, bác sĩ tiếp tục sử dụng kĩ thuật đốt khối u thận bằng sóng cao tần dưới sự hỗ trợ của máy CT và cánh tay robot. Đây là phương pháp ít xâm lấn, can thiệp tối thiểu, có độ chính xác cao. Ca đốt u kéo dài 1 giờ.

Theo BS Chung, phương pháp đốt u bằng sóng cao tần thường áp dụng cho các khối u đặc nằm sâu trong cơ thể như u gan, thận, phổi...

Phương pháp này được áp dụng trong 2 trường hợp cụ thể: Thứ nhất để triệt căn với các khối u dưới 3cm và dưới 3 khối u; thứ hai được chỉ định điều trị phối hợp cùng các phương pháp khác như xạ trị, hóa trị trong phác đồ điều trị đa mô thức bệnh nhân ung thư nhằm cải thiện triệu chứng tại chỗ cho những bệnh nhân ở giai đoạn muộn như đốt u để cầm máu, chống chèn ép, giảm đau…

Lưu ý khi đi tiểu ra máu

Tại Việt Nam, ung thư thận không phổ biến, xếp thứ 17 trong danh sách 35 loại ung thư. Theo số liệu của WHO năm 2018, mỗi năm nước ta ghi nhận gần 2.400 ca mắc, trong đó tỉ lệ tử vong chiếm khoảng 55%.

Theo các tài liệu nghiên cứu, ung thư thận phổ biến ở nam hơn nữ, thường mắc ở độ tuổi 45-65 tuổi.

Đến nay, nguyên nhân gây ung thư thận chưa rõ ràng, nhưng có những nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ của ung thư thận với nhiễm virus viêm gan C, hút thuốc (có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh), bức xạ, tiếp xúc nhiều với chì, sử dụng nhiều các thuốc chống viêm ibuprofen và naproxen...

Giống như hầu hết nhiều loại ung thư khác, ở giai đoạn sớm hoặc chớm muộn, ung thư thận không có triệu chứng đặc hiệu.

Tuy nhiên tiểu ra máu là dấu hiệu phổ biến nhất, bệnh nhân không đau đớn, có thể quan sát bằng mắt thường.

Triệu chứng thứ 2 hay gặp là đau lưng dưới, thường dai dẳng, liên tục. Nếu khối u chèn ép vào dây thần kinh hoặc cột sống thắt lưng sẽ gây đau dữ dội.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, sốt cao và ra nhiều mồ hôi.

Để điều trị, ở giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ ưu tiên phẫu thuật cắt u, nhưng ở giai đoạn muộn, khi đã di căn, việc phẫu thuật thường không được chỉ định do không triệt để, thay vào đó bệnh nhân sẽ được điều trị xạ trị, hoá trị, liệu pháp sinh học kết hợp với các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ.

Để phòng tránh ung thư thận, cách đơn giản nhất là thay đổi lối sống bằng cách bỏ hút thuốc lá, ít uống rượu bia, tăng cường vận động thể lực, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng nhiều rau xanh và hoa quả.

Thúy Hạnh

Thực phẩm gây suy thận nhanh khủng khiếp, nhiều người Việt mê mẩn

Thực phẩm gây suy thận nhanh khủng khiếp, nhiều người Việt mê mẩn

Ăn nhiều thịt, đường, nước xốt, thực phẩm chế biến sẵn, 'nghiện' nước uống có gas, bia rượu... là thói quen 'sát thủ' khiến nhiều người Việt bị suy thận nhanh khủng khiếp.