- 25 học sinh mắc quai bị của trường tiểu học Tân Xuân (TP.HCM) tập trung đa số tại các lớp bán trú.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa có buổi làm việc với trường Tiểu học Tân Xuân (xã Xuân Thời Đông, huyện Hóc Môn) – nơi có 25 học sinh mắc quai bị.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, trạm Y tế Xuân Thới Đông phát hiện 11 học sinh tại lớp 3E được chẩn đoán mắc bệnh quai bị.

Ngày hôm sau, tiếp tục có thêm các ca bệnh mới tại các lớp khác của trường tiểu học này.

Thời điểm hiện tại, đã có 25 học sinh mắc quai bị, phân bố tại 5 lớp học, đa số tập trung tại các lớp bán trú của trường.

{keywords}
Chích ngừa là cách tốt nhất phòng quai bị. Ảnh minh họa

Ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, Trạm y tế đã cấp hóa chất Chloramine B và hướng dẫn nhà trường vệ sinh, khử khuẩn các lớp học có ca bệnh và các lớp xung quanh liên tục.

Trung tâm y tế dự phòng huyện Hóc Môn và nhà trường cũng thông tin tới phụ huynh, đồng thời tiến hành theo dõi, giám sát tình hình bệnh của học sinh.

Nhằm khống chế không để ổ dịch lan rộng, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã hướng dẫn nhà trường theo dõi, xử lý.

Quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên.

Bệnh thường bùng phát vào mùa đông khi trời trở lạnh, chủ yếu lây qua đường hô hấp.

Khi trẻ mắc quai bị thường rất dễ nhận biết với triệu chứng sưng đau vùng mang tai do viêm sưng tuyến nước bọt vùng mang tai. Trẻ có thể kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói.

Bệnh sẽ tự hết dần sau 5-7 ngày nếu không có biến chứng. Một số biến chứng có thể gặp là viêm màng não, viêm tụy cấp, viêm não, viêm cơ tim, viêm tinh hoàn ở bé trai với di chứng vô sinh hay viêm buồng trứng ở trẻ gái, thường xảy ra ở tuổi dậy thì (hơn 7 tuổi)... Phòng bệnh tốt nhất là chích ngừa quai bị cho trẻ.

Văn Đức