Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết, vừa phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn cho một bệnh nhân N.Y.K (14 tuổi, TP.HCM), cứu tinh hoàn khỏi nguy cơ hoại tử.

Bệnh nhân nhớ lại vào lúc 5 giờ 30 sáng em K. đột nhiên cảm thấy đau dữ dội vùng bìu trái khi đang ngủ, cảm giác đau tăng khi sờ vào, tinh hoàn bên trái nằm cao hơn bình thường và kém di động so với tinh hoàn bên phải. Sau đó, em K. nói với ba mẹ thì lập tức được đưa đến Bệnh viện Bình Dân.

{keywords}

Bác sĩ tháo xoắn tinh hoàn cho bệnh nhi 14 tuổi. Ảnh:BVCC

Khi tiếp nhận, bác sĩ chuyên khoa Nam học khám và siêu âm chẩn đoán em K. bị xoắn tinh hoàn trái và được chỉ định lập tức được phẫu thuật để tháo xoắn thừng tinh trái. Khi bộc lộ bìu trái, ê-kíp phát hiện thừng tinh trái bị xoắn 2 vòng với nút xoắn chặt khiến thừng tinh và tinh hoàn trái phù nề, đã chuyển màu tím sẫm.

Rất may, bệnh nhi được đưa đến viện kịp thời chỉ trong vòng 4 giờ sau khi cơn đau xuất hiện, nên tinh hoàn đã được bảo tồn. Sau phẫu thuật, thừng tinh và tinh hoàn trái của người bệnh trở lại hồng hào, bác sĩ cố định hai tinh hoàn để tránh nguy cơ xoắn tái phát và xoắn bên đối diện.

Trên thực tế, nam giới hoặc phụ huynh có con trai bị xoắn tinh hoàn chần chừ đến bệnh viện, ở nhà tự tìm kiếm các thông tin trên internet hoặc tự dùng thuốc giảm đau uống làm mất cơ hội được điều trị sớm. Theo thống kê từ bệnh viện, 80% người bệnh xoắn tinh hoàn đến khám khi tình trạng đau bìu đã khởi phát vượt hơn 24 giờ.

Hậu quả của việc khám và điều trị muộn sẽ dẫn đến việctinh hoàn thiếu máu nuôi, mất tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn, vô sinh thứ phát và gánh nặng tâm lý về sau.

Theo bác sĩ Hồ Vĩnh Phước, Khoa nam học, xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh tự xoắn quanh trục làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu nuôi tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất từ 10 đến 25 tuổi. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn ở nam giới dưới 25 tuổi khoảng 1/4000. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất tinh hoàn ở nhóm tuổi thanh thiếu niên và trẻ sơ sinh.

 Phan Nhơn