Đang mang thai ở tuần thứ 34, chị L.T.G. (26 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ nhận tin mắc Covid-19. Ngày 5/12, sản phụ được đưa tới Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 C2, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang với các triệu chứng ho khan, khó thở khi gắng sức vận động, không phù, không sốt. Dù chưa có nhiều dấu hiệu nguy hiểm, các bác sĩ vẫn tiên lượng đây là ca bệnh phức tạp, có nguy cơ diễn biến nhanh do bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin Covid-19.

Chỉ vài ngày sau đó, sản phụ tiến triển nặng dần. Chị G. ho nhiều hơn, khó thở tăng lên ngay cả lúc nghỉ ngơi. Kết quả chụp X quang phổi cho thấy tổn thương phổi tăng dần, xét nghiệm máu báo hiệu chỉ số bão Cytokine ở mức rất cao.

Phác đồ điều trị cho sản phụ lâp tức được điều chỉnh để phù hợp với trạng thái lâm sàng và cận lâm sàng. Bệnh nhân thường xuyên được các bác sĩ khoa Sản khám và siêu âm, kiểm tra đánh giá. Chỉ định sử dụng Corticoid và thuốc kháng virus Remdesivir cùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp ban đầu được nâng cấp dần từ thở oxy kính, sang oxy mask rồi chuyển sang sử dụng oxy dòng cao HFNC.

Tuy nhiên, đáp ứng lâm sàng của sản phụ với các phương án điều trị không tốt, tổn thương phổi trở nên nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS xuất hiện cùng cơn bão Cytokine. Nguy cơ thiếu hụt oxy đẩy mẹ con sản phụ vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, tiên lượng tử vong cao.

Trước tình hình nghiêm trọng, các bác sĩ trong khu điều trị trực tiếp đã hội chẩn với Tiểu ban điều trị Covid-19 bệnh viện, đồng thời tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực Sản Covid-19. Ban chỉ đạo nhanh chóng đưa ra quyết định phải mổ bắt con sớm, hy vọng cứu được cả mẹ lẫn con.

Ngay lập tức, hệ thống báo động đỏ được khởi động toàn viện, huy động bác sĩ Khoa Sản, Khoa Sơ sinh, Khoa Gây mê hồi sức và Khu điều trị Covid-19 C2 sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật.

Trong mổ, do sản phụ bị suy hô hấp nặng, phương án gây tê vùng tủy sống không còn khả thi, kíp bác sĩ bắt buộc phải tiến hành gây mê đặt ống nội khí quản, phối hợp với thuốc tăng co hỗ trợ. Để tránh tác dụng phụ của thuốc tới trẻ qua hàng rào nhau thai, quá trình bắt con chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút.

Bé gái nặng khoảng 2,7 kg ra đời, được chuyển về khoa Sơ sinh và can thiệp thở máy không xâm nhập trong 2 ngày, sau đó thở oxy trong 1 ngày kèm chiếu đèn vàng da. Nhờ chăm sóc và điều trị tích cực, sức khỏe của bé cải thiện dần, được ra viện sau 1 tuần điều trị.

Về phía sản phụ, sau ca phẫu thuật, chị được chuyển về Khu điều trị Covid-19 C2. Kiểm tra phim X quang tại giường và chỉ số xét nghiệm bão Cytokine của sản phụ vẫn ở mức rất cao, nguy cơ tử vong rất lớn.

Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ tiến hành điều trị lọc máu hấp phụ liên tục, đồng thời hỗ trợ thở máy không xâm nhập theo chiến lược ARDS. Sau khoảng 4 ngày điều trị tích cực, do đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, sản phụ được rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy kính xen kẽ thở máy không xâm nhập.

3 ngày tiếp theo, tình trạng phổi cải thiện rõ rệt, sản phụ tiếp tục được chuyển sang thở oxy gọng. Đến ngày 28/12, cơ thể người bệnh đã phục hồi hoàn toàn, xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 nên được xuất viện, về đoàn tụ với gia đình.

Các bác sĩ khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cho bé, các sản phụ nên chủ động tiêm vắc xin ngừa Covid-19 từ tuần thai thứ 13 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguyễn Liên

Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc

Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc

Từng có thời gian chi viện, chống dịch tại Bình Dương, PGS.TS Hải cho biết, F0 nặng, nguy kịch giai đoạn này khác với giai đoạn dịch bùng phát trước đây. Vì vậy phương pháp điều trị cũng thay đổi để phù hợp, hiệu quả hơn.