Chiều 1/9, ông Thắng cùng các bác sĩ có mặt trước sảnh Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để chuẩn bị cho buổi lễ công bố khỏi bệnh. Nhìn những bước chân nhanh nhẹn, có lẽ người không tìm hiểu sẽ khó để nhận ra ông từng là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất miền Bắc.

Ông Nguyễn Đình Thắng (63 tuổi, nhân viên giao Pizza tại cửa hàng số 106 Trần Thái Tông, Hà Nội) được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân 812 mắc Covid-19. Người đàn ông lây nhiễm SARS-CoV-2 từ ca 447 do tiếp xúc gần người này tại nơi làm việc.

Ngày 3/8, ông Thắng bắt đầu có biểu hiện sốt, đau mỏi khắp vùng vai gáy. Sau đó, ông tới khám và nằm điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, được lấy mẫu làm xét nghiệm PCR. Lúc này, các triệu chứng mỗi ngày một nặng dần, cả cơ thể người đàn ông như không còn sức lực.

“Khi được chỉ định chụp Xquang, tôi chỉ bước từ phòng ra tới thang máy cũng thấy kiệt sức, không thể thở được. Cả người mỏi mệt vô cùng”, bệnh nhân chia sẻ.

Sau khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2, ngày 8/8, ông Thắng chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nặng, phải thở oxy. Sau đó, người bệnh dần diễn tiến xấu hơn, có biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, suy hô hấp khi thở máy không xâm nhập.

{keywords}
Bệnh nhân 812 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chiều 1/9 - Ảnh: N.Liên

Đêm 12/8, ông Thắng được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và phải đặt ống thở máy. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ, bệnh nhân 812 tiên lượng rất nặng, chức năng phổi có thời điểm tổn thương đến khoảng 70 -80%. Các bác sĩ xác định nguy cơ bệnh nhân phải chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) rất lớn.

Nhiều ngày liên tiếp, kíp cấp cứu nỗ lực dùng kháng sinh kháng virus và các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị, đồng thời hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân. May mắn, người bệnh đáp ứng tốt và dần hồi phục.

Ông Thắng không thể nhớ chính xác mình đã trải qua những gì kể từ khi bệnh trở nặng. Ông chỉ có thể mường tượng thấp thoáng hình ảnh đường tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có cánh đồng lúa rộng lớn; hình ảnh đôi chân ông sưng phù thời điểm nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu,…

Ký ức sâu sắc nhất đọng lại trong tâm trí người đàn ông 63 tuổi là câu nói của bác sĩ Kiên (Khoa Hồi sức tích cực) bên giường bệnh: “Chú hiện chỉ còn 50% cơ hội sống. Nếu chú nghe cháu, chú sẽ vượt qua”.

Trong lúc mơ màng, ông Thắng vẫn cảm thấy có một luồng sức mạnh thôi thúc mình gượng dậy.

Tới ngày 17/8, ông dần tỉnh lại. Cảm nhận được sự hiện diện của dây rợ, máy móc chằng chịt trên cơ thể, người đàn ông biết mình vẫn ở bệnh viện. Lại nhớ tới thời điểm nửa tỉnh nửa mê, khi nghe các bác sĩ trao đổi về tình trạng rất nặng của mình, ông Thắng bỗng thấy rưng rưng xúc động.

“Tôi như người chết đuối vớ được cọc. Tỉnh lại là một điều may mắn, nếu cố gắng, tôi nghĩ mình sẽ vượt qua khó khăn”, ông Thắng tâm sự.

Sau đó 2 ngày, bệnh nhân cai được máy thở xâm nhập. Khi sức khỏe ổn định hơn, ông đươc bác sĩ hướng dẫn các bài tập về hô hấp, cách ép phổi, hít vào, thở ra để phổi cải thiện. Ông Thắng kiên trì tập luyện 5-6 lần/ngày, vào bất cứ khi nào sức khỏe cho phép. Bên cạnh đó, ông cũng cố gắng ăn nhiều hơn để lấy sức chiến đấu với bệnh.

Ông Thắng có những nguồn động lực đặc biệt để bản thân kiên trì hơn trong giai đoạn khó khăn nhất. Ngoài “tinh thần lính” ăn sâu trong máu cốt, hình ảnh gia đình, những đứa con đang ngóng tin luôn khiến ông mạnh mẽ hơn. Đặc biêt, người đàn ông 63 tuổi chia sẻ, sự nhiệt tình, ân cần của đội ngũ nhân viên y tế chính là nguồn cổ vũ to lớn giúp ông thêm ý chí.

“Dạo mới tỉnh, tôi không làm được bất cứ việc gì. Từ ăn uống, lau chùi, tắm rửa, một tay họ phải giúp. Mỗi ngày, các bác sĩ đều hỏi thăm cẩn thận lắm, rằng chú ăn uống thế nào, chú thở thế nào, chú cố gắng lên nhé,… Tôi thực sự rất cảm động”, ông Thắng ông giấu được sự nghẹn ngào trong ánh mắt.

{keywords}
Bệnh nhân 812 cùng bác sĩ Phạm Văn Phúc trong buổi lễ công bố khỏi bệnh - Ảnh: N.Liên

Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, đến ngày hôm nay, bệnh nhân 812 đã hoàn toàn khỏe mạnh. Ông ăn ngủ tốt, tự thở khí phòng, xét nghiệm lại SARS-CoV-2 ba lần liên tiếp âm tính. Sau khi rời Khoa Hồi sức tích cực, ông sẽ được chuyển lên Khoa Nội tổng hợp tiếp tục theo dõi trước khi về lại cộng đồng.

Trong buổi lễ công bố khỏi bệnh, anh Phúc chia sẻ, các bác sĩ rất vui vì bệnh nhân tiến triển tốt và khỏi bệnh.

“Tuy nhiên, chỉ vui trong khoảnh khắc này, sau đó chúng tôi sẽ phải chuyên tâm vào công việc. Bởi cuộc chiến còn dài, chúng tôi còn rất nhiều ca nặng tiếp theo phải điều trị, giúp họ bình an trở lại cuộc sống”, anh Phúc nói.

Trong ngày 1/9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng công bố khỏi bệnh thêm 2 bệnh nhân Covid-19 khác là bệnh nhân 678 (nữ, 38 tuổi, Đình Lập, Lạng Sơn) và bệnh nhân 1038 (nam, 21 tuổi, Bà Rịa – Vũng Tàu).

Riêng trường hợp 1038 được dư luận khá quan tâm khi nhận tin dương tính vào thời điểm rời đã khu cách ly tập trung ở Hải Dương, về nhà trọ tại phố Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh cho biết, anh thấy bớt gánh nặng vì các ca F1 được kịp thời khoanh vùng và tới nay đều âm tính, không còn nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.

Đến hết ngày 1/9, Việt Nam ghi nhận 1044 ca Covid-19, đã chữa khỏi cho 735 ca.

Nguyễn Liên

Nữ bệnh nhân ‘9 ngày dự 7 cuộc liên hoan’: ‘Tôi sốc vì bị chỉ trích’

Nữ bệnh nhân ‘9 ngày dự 7 cuộc liên hoan’: ‘Tôi sốc vì bị chỉ trích’

Chị S. chia sẻ, chị phải đối mặt với những lời chửi bới rất nặng nề, thậm chí có người thản nhiên: “Phải cho đi tử hình”.

 

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.