Tại buổi tập huấn trực tuyến về điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 sáng 13/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, công tác khám, chữa bệnh cho các F0 đã được thay đổi trên tất cả các phương diện để đảm bảo tiếp cận và cung cấp tốt nhất các loại thuốc, kĩ thuật trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế cũng đồng ý cho các địa phương có ca mắc tăng nhanh được phép để F0 đủ điều kiện được cách ly, điều trị tại nhà, bao gồm các trường hợp không triệu chứng, tải lượng virus thấp, không bệnh nền.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh chia sẻ thêm, dịch lần 4 tại nước ta diễn biến phức tạp, biến chủng Delta khiến số ca mắc mới và tử vong đều tăng nhanh.

Phân tích dịch tễ cho thấy, khoảng 80% ca mắc không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, còn lại 20% là những người có biểu hiện vừa, trung bình, trong só này có 5% chuyển biến nặng và 0,5-1% diễn tiến rất nặng.

{keywords}

PGS.TS Lương Ngọc Khuê. Ảnh: Trần Minh

Để thích ứng với tình hình mới, trong hơn 3 tháng qua, Bộ Y tế liên tục cập nhật các chiến lược điều trị mới, bổ sung nhiều loại thuốc vào phác đồ.

Cụ thể, trước đây khi số lượng bệnh nhân ít, điều trị bệnh nhân Covid-19 được phân 3 tuyến: Nặng điều trị ở tuyến trung ương, trung bình ở bệnh viện tỉnh và nhẹ ở bệnh viện huyện. Sang giai đoạn hiện nay, Bộ Y đã xây dựng tháp điều trị mới nhằm giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.

Ngay trong sáng 13/8, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện trên toàn quốc không phân biệt công, tư đều phải chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để tiếp đón bệnh nhân khi dịch Covid-19 lan rộng, song song điều trị các bệnh thông thường khác.

“Đây là một trong những chính sách nhằm đảm bảo người bệnh ở tất cả các tuyến khi nhiễm bệnh đều được tiếp cận từ tuyến y tế cơ sở đến các tuyến cao hơn”, ông Khuê nhấn mạnh.

Với các F0 điều trị tại nhà, sau thời gian thí điểm tại TP.HCM, căn cứ trên các kết quả thu được và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Y tế cho rằng các F0 hoàn toàn có thể điều trị được tại nhà nếu đủ điều kiện. Khi đó, mỗi gia đình trở thành một "home care", một phòng y tế.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng chi tiết các hướng dẫn, coi đây chính là tầng thấp nhất trong tháp điều trị 3 tầng.

Các hướng dẫn sẽ hết sức cụ thể như hướng dẫn cho bệnh nhân khi ở nhà thì chăm sóc sức khỏe, cách ly như thế nào; khi diễn biến có sốt, ho, bắt đầu khó thở thì phải liên hệ với ai, đến đâu, làm sao để tránh lây lan cho người khác...

Để nhân rộng mở rộng F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế sẽ tăng cường hệ thống tư vấn cho người bệnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như qua điện thoại, zoom, zalo, viber…

Điểm đáng lưu ý, khi F0 điều trị tại nhà cần phải có thuốc hỗ trợ. Hiện Bộ Y tế có chiến lược cấp cho mỗi gia đình có F0 điều trị tại nhà một tủ thuốc an sinh, trong đó bao gồm nhiều loại thuốc như kháng virus, tăng miễn dịch, bồi bổ sức khỏe... để người bệnh an tâm khi ở nhà.

Người bệnh cũng sẽ được nhân viên y tế tuyến cơ sở, bác sĩ gia đình, mạng lưới bác sĩ tình nguyện hỗ trợ tư vấn.

Tuy nhiên PGS Khuê nhấn mạnh, việc cho F0 điều trị tại nhà chỉ nên thực hiện tại những nơi đủ điều kiện. Tại các nước, việc này thực hiện dễ dàng do nếp sống, sinh hoạt khác, hầu hết đều ở riêng, trong khi mô hình Việt Nam là “tứ đại đồng đường”, nhiều thế hệ cùng chung sống.

Để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân nặng, sắp tới Bộ Y tế sẽ cho xây dựng thêm các trung tâm hồi sức tích cực, nâng từ 12 lên 30 trung tâm trên toàn quốc, đảm bảo 2-3 tỉnh có một trung tâm. Nơi đây sẽ tập trung thầy thuốc giỏi, máy móc tốt, thực hiện được các kĩ thuật cao nhất.

"Chúng ta cố gắng, điều trị, không để bệnh nhân nhẹ chuyển biến sang trung bình rồi thành nặng. Đồng thời tất cả các tuyến đều có kết nối telehealth với nhau, với trung tâm chỉ huy đặt tại Bộ Y tế để có sự tư vấn về chuyên môn kịp thời", PGS Khuê nói.

Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh cũng lưu ý, các gia đình, cơ sở y tế cần quan tâm đến tâm lý của người bệnh. Đây là vấn đề chưa được quan tâm thích đáng, nếu tâm lý không ổn định dễ chuyển nặng, đặc biệt ở nhóm trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Thúy Hạnh

Thứ trưởng Y tế nói 3 nguyên nhân khiến F0 tại TP.HCM tử vong

Thứ trưởng Y tế nói 3 nguyên nhân khiến F0 tại TP.HCM tử vong

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định, quá tải là một trong 3 nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân F0 tại TP.HCM tử vong.