Tiền đái tháo đường là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường. Bao gồm những người rối loạn glucose máu lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp glucose, hoặc tăng HbA1c.

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và đái tháo đường type 2. Khoảng 5 - 10% người tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường hàng năm và tổng cộng 70% người tiền đái tháo đường sẽ thành đái tháo đường thực sự.

Theo đó, Bộ Y tế khuyên áp dụng phương pháp điều trị theo 2 hướng: thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc. Trong đó, can thiệp giảm cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể lực xuyên suốt quá trình điều trị cho người có nguy cơ là cốt lõi.

Bộ Y tế khuyến cáo áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo, với mức giảm cân dần dần cho người thừa cân, béo phì. Lưu ý lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt, giàu chất xơ, rau, hoa quả, không gia công chế biến công nghiệp, chất béo không no (dầu thực vật, cá). Một số thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền đái tháo đường, đái tháo đường như các loại hạt, dâu, sữa chua, cà phê, trà được khuyến khích sử dụng.

Người tiền đái tháo đường cần duy trì tập luyện và hoạt động thể lực nhằm đích tiêu hao khoảng 700kcalo/tuần tương đương với mức độ tập luyện cường độ trung bình 150 phút/tuần như đi bộ nhanh. Tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 05 ngày trong tuần. Mỗi lần không dưới 10 phút.

Giảm thời gian ngồi tĩnh tại. Tăng cường hoạt động trong ngày, kết hợp các loại hình tập luyện: aerobic, đi bộ, thể dục dụng cụ... Lựa chọn bài tập và mức độ tuỳ từng cá thể.

Tập luyện có tác dụng tốt cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Lưu ý, với người có bệnh tim mạch (cần được bác sỹ đánh giá bệnh tim mạch trước luyện tập).

{keywords}
 

Sau 03 tháng áp dụng chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát được HbA1c <5,7%, glucose máu tăng dần sâi những lần theo dõi, người tiền đái tháo đường có thể được chỉ định điều trị bằng Metformin.

Một số phương án điều trị khác gồm: Phẫu thuật giảm béo, giảm cân giúp kiểm soát glucose máu; Phát hiện và kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch;

Người tiền đái tháo đường cần được theo dõi với tần suất khám 1 lần/ tháng, xét nghiệm glucose máu đói (HbA1c được thực hiện mỗi 3 tháng/ lần). Đối với những người có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường, đái tháo đường nhưng kết quả xét nghiệm glucose máu bình thường: xét nghiệm lại glucose máu hàng năm.

Bộ Y tế cho biết có thể ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người mắc tiền đái tháo đường duy trì và tuân thủ chế độ can thiệp thay đổi lối sống tích cực là rất cần thiết. Tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể của từng người (tuổi, trình độ nhận thức, mức độ kinh tế, sở thích, nghề nghiệp….) để lựa chọn công nghệ phù hợp. Có thể sử dụng nền tảng web, tin nhắn, mạng xã hội Zalo, Viber, các ứng dụng chuyên biệt App... để cung cấp thông tin, theo dõi nhật ký ăn uống, tập luyện và đưa ra lời khuyên can thiệp, điều chỉnh kịp thời.

Đồng thời, Bộ Y tế khuyến khích, động viên người mắc tiền đái tháo đường, tạo cộng đồng chia sẻ tâm lý, kinh nghiệm, trợ giúp nhau.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2019, toàn thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20 - 79 có rối loạn dung nạp glucose (tương ứng với 7,5%). Dự báo đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 548,4 triệu (8,6%), trong đó gần một nửa (48,1%) dưới 50 tuổi.

Ở Việt Nam, theo báo cáo của IDF 2019, tỷ lệ người bị rối loạn dung nạp glucose chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với bệnh nhân đái tháo đường.

D. An