Cách đây hơn 3 năm, chị Trần Thị Nhung, 28 tuổi đột nhiên thấy tiếng bị khàn dù không ho, không viêm họng, sức khoẻ hoàn toàn khoẻ mạnh, không có gì bất thường. Sau đó, chị phát hiện ở vùng cổ có khối cứng nên đến bệnh viện gần nhà thăm khám.

Chị rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo mắc ung thư tuyến giáp thể nhú, khối u đã xâm lấn rộng tổ chức xung quanh, không thể phẫu thuật.

Bác sĩ yêu cầu nhập viện để xạ trị nhưng chị Nhung từ chối, về nhà uống thuốc nam hơn 2 năm.

Tháng 7/2019, chị Nhung thấy nuốt vướng tăng dần nên quay lại bệnh viện xạ trị vùng cổ. Hết phác đồ, chị thấy dễ chịu hơn, nuốt vướng không còn

Tháng 2/2020, chị thấy các triệu chứng đỡ nhiều nên đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra lại. Kết quả cho thấy, bệnh nhân vẫn còn khối u ở cổ, nhiều hạch 2 bên, chỉ định nhập viện vào khoa Phẫu thuật lồng ngực để điều trị.

{keywords}

Hình ảnh xạ hình toàn thân sau điều trị I-131 của bệnh nhân Nhung vào tháng 6 vừa qua

 

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo vét hạch cổ 2 bên. Đánh giá trong mổ cho thấy khối u lớn chiếm toàn bộ thùy trái tuyến giáp, xâm lấn khí quản, thực quản, dính vào cơ ức giáp, u xâm lấn ra mặt sau sát cột sống, xâm lấn thần kinh X và tĩnh mạch cảnh trong trái.

Kết quả sinh thiết khẳng định, bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 2 đã di căn 2 phổi, hạch trung thất. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hạch lớn nhất của bệnh nhân khi bóc ra có kích thước khoảng 2 cm, trên phổi có nhiều nốt kích thước 0,8x0,4 cm, liệt dây thanh.

Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng iod phóng xạ I-131. Từ đó đến nay, bệnh nhân có đáp ứng, được hẹn tái khám định kỳ.

GS Khoa cho hay, ung thư tuyến giáp là ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết, tại Việt Nam xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến với hơn 5.400 ca mắc mỗi năm. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ cao gấp 3 lần nam.

{keywords}

Giai đoạn sớm của ung thư tuyến giáp rất mơ hồ, khi có biểu hiện nuốt nghẹn, khàn tiếng đã ở giai đoạn muộn hơn

Ung thư tuyến giáp gồm 2 nhóm: Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Trong đó ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, tiên lượng tốt, gồm thể nhú, thể nang hoặc hỗn hợp 2 thể.

Thể nhú là thể hay gặp nhất của ung thư tuyến giáp, chiếm 70-80%. Vị trí di căn hay gặp của ung thư tuyến giáp là phổi, xương…

So với nhiều loại ung thư khác, ung thư tuyến giáp có tiên lượng điều trị rất tốt. Tính chung tỉ lệ bệnh nhân sống qua 5 năm kể từ khi chẩn đoán là trên 90%.

Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú đã có di căn như trường hợp chị Nhung, phương pháp điều trị hiện nay là phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ kết hợp với điều trị I-131, sau đó điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế giúp duy trì bệnh ổn định lâu dài.

Giống như nhiều loại ung thư khác, các dấu hiệu sớm của ung thư tuyến giáp rất mơ hồ, do đó người dân cần đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, cách đơn giản để phát hiện là siêu âm tuyến giáp.

Nếu muộn hơn, bệnh nhân có thể có biểu hiện khàn tiếng, nuốt vướng khi u chèn vào thực quản, khó thở khi u chèn khí quản; thứ tư, xuất hiện hạch ở cổ, di động theo nhịp nuốt.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Bé 3 tuổi nhỏ nhất Việt Nam mắc ung thư tuyến giáp di căn

Bé 3 tuổi nhỏ nhất Việt Nam mắc ung thư tuyến giáp di căn

- Thấy con thở khò khè, khi đi khám, cha mẹ được bác sĩ thông báo bé đã mắc ung thư tuyến giáp di căn, trên cổ chi chít hạch.