Bất động chờ… phẫu thuật

Trượt chân ngã tại nhà, ông Trần Tuấn Anh (57 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị gãy chỏm xương đùi và phải thay khớp háng. Tuy nhiên, giữa tháng 8/2021, các bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình đều hoãn mổ chương trình do dịch Covid-19.

{keywords}

Bệnh viện Chợ Rẫy hiện duy trì khoa điều trị Covid-19 và thực hiện khám chữa bệnh như ban đầu

 

Ông Tuấn Anh được cho thuốc uống trong 2 tuần và nằm bất động, chờ dịch giảm để phẫu thuật. Trước tình hình trên, gia đình ông đã thuê xe cấp cứu của 1 bệnh viện tư nhân tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai), đón ông về phẫu thuật thay khớp háng. Ông  được xét nghiệm nCoV âm tính để đảm bảo an toàn phòng dịch.

“Biết khi nào dịch mới giảm, mà cơn đau rất kinh khủng. Nếu không kịp thay khớp háng lúc đó, chắc chắn tôi không chịu đựng nổi”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Không may mắn như ông Tuấn Anh, nhiều bệnh nhân phải ôm cơn đau trong mùa dịch. Đến nay, khi các bệnh viện dần trở lại công năng ban đầu, người dân cũng đồng loạt tìm đến chữa trị.

Bệnh viện quận 7 là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại TP.HCM được trả lại công năng khám chữa bệnh thông thường, nhờ địa phương đã được công nhận kiểm soát dịch. Những ngày đầu có khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám, sau 1 tuần, lượng bệnh ngoại trú tăng từ 500 - 600 lượt/ngày.

Ông Nguyễn Hồng Hải, ngụ tại huyện Nhà Bè, sau thời gian dài trì hoãn, nay phấn khởi đi khám trở lại ở Bệnh viện quận 7. “Tôi cũng lớn tuổi, 3 tháng rồi chưa đi khám được nên cũng lo. Đến bệnh viện bây giờ, tuân thủ quy định 5K là trách nhiệm”, ông Hải chia sẻ.  

TS.BS Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện quận 7 cho biết, người mắc các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, hô hấp sẽ đến đầu tiên. Ngoài ra, còn có sản phụ và bệnh nhân cấp cứu.

Bên cạnh đó, bệnh viện hiện không yêu cầu xét nghiệm nhanh với một số trường hợp như: người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và mũi 2 đã đủ 14 ngày, bệnh nhân F0 khỏi bệnh và bệnh nhân có kết quả xét nghiệm ở các cơ sở khác trong vòng 72 giờ. Nhờ vậy, người dân bớt áp lực chi phí khi đi thăm khám.

Ghi nhận tại bệnh viện Da liễu (TP.HCM), ngày đầu nới lỏng giãn cách, bệnh ngoại trú tăng lên 1.200 lượt (so với khi giãn cách là 200 lượt/ngày). Thế nhưng sau đó giảm dần. Đến nay, còn khoảng trên 700 lượt khám/ngày.

Nguyên nhân được cho là lượng bệnh nhân chủ yếu đến từ các tỉnh. Hiện tại, việc đi lại liên tỉnh liên vùng còn hạn chế, nên chưa thể phục hồi về công suất ban đầu.

Trước khi dịch bùng phát, bệnh viện Da liễu tiếp nhận khoảng 2.000 đến 2.500/lượt khám/ngày. Đáng chú ý, bệnh viện cũng ghi nhận một số trường hợp vì trì hoãn khám trong dịch mà diễn tiến nặng, khó phục hồi. 

Tương tự, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sau 1 tuần thành phố nới lỏng giãn cách, mới chỉ phục vụ khoảng 50% công suất. Lực lượng nhân viên y tế hiện vẫn phải phục vụ cho 2 bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đóc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận định, nếu dịch tiếp tục giảm, thì từ 1 đến 2 tháng tới, bệnh viện có thể rút quân để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân như ban đầu. Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn không thể chủ quan. Bên cạnh đó, việc đi lại còn hạn chế, người dân vẫn còn e ngại nên lượng bệnh nhân chưa đông.

Nới lỏng khám bệnh nhưng siết chặt 5K

Trong khi đó, tại bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, một luồng xanh được thiết lập cho người bệnh ngoại trú. Người có triệu chứng đường hô hấp được sắp xếp luồng riêng, thực hiện test nhanh để đảm bảo an toàn cho bệnh viện và các bệnh nhân. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của các cơ sở y tế khi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn tồn tại và bệnh viện vẫn là nơi cần bảo vệ tuyệt đối.

Ngay cả với bệnh viện “vùng xanh” như tại quận 7, người dân vẫn ý thức rất cao quy tắc 5K. Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế trở thành phản xạ của người dân thành phố sau hơn 4 tháng gồng mình chống dịch.

{keywords}

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM khai báo y tế.

Còn Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, lên kế hoạch thực hiện mô hình 2 trong 1, vừa điều trị bệnh như trước đây, vừa điều trị ca nhiễm Covid-19. Công tác sàng lọc vẫn được chú trọng như trong mùa dịch. Tại khoa Cấp cứu, một vùng đệm được bố trí, phân luồng ở phía ngoài, 100% bệnh nhân đến khoa được test nhanh nCoV. Hiện khoa tiếp nhận khoảng 100 ca mỗi ngày, trong đó từ 5-10 trường hợp dương tính với nCov.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, bệnh viện vẫn duy trì điều trị bệnh nhân Covid-19. “Với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 kèm theo bệnh nền quá nặng sẽ được điều trị ở khu vực chuyên sâu, đảm bảo điều trị một cách tích cực, hiệu quả nhất. Mục tiêu là đảm bảo người bệnh không tử vong do bệnh nền”, TS.BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Trong quá trình chuyển đổi công năng ban đầu cho các bệnh viện trên địa bàn, việc điều trị Covid-19 vẫn được chú trọng. Hiện nay tổng số ca Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2-3 là 19.542 người. Các cơ sở y tế cũng thành lập khoa tiếp nhận Covid-19 tại chỗ.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết TP đã có lộ trình để chuyển đổi từ tháng 9, để trả lại công năng ban đầu sớm nhất cho các bệnh viện, nhằm đảm bảo mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân. “Chỉ khi thật chắc chắn và có phương án an toàn cho người bệnh chúng ta mới chuyển đổi chính thức”, bà Huỳnh Mai khẳng định.  

Linh Giao

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Lực lượng chi viện đã dấn thân vì sức khỏe người dân

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Lực lượng chi viện đã dấn thân vì sức khỏe người dân

“Các đồng nghiệp đến từ khắp mọi miền đất nước đã cùng với ngành Y tế thành phố vượt khó, dấn thân hết mình vì sức khỏe của người dân".