14 ngày dương tính, không một cuộc điện thoại

Chị Phạm Thị Lan, tổ 12, phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP.HCM) dù đã khỏe mạnh sau 14 ngày tự cách ly nhưng vẫn không nguôi cảm giác bức xúc suốt 3 tuần qua.

Gia đình chị có 3 người lớn và 2 trẻ em. Khi tự test nhanh, 3 người lớn đều dương tính. Vì sợ lây bệnh cho người khác, chị gọi điện thoại báo cáo theo đúng thủ tục.

{keywords}
Theo chị Lan, khi tự test nhanh dương tính, chị đã chủ động báo Trạm y tế phường.

Suốt 14 ngày tự cách ly, gia đình chị tự lực cánh sinh. Chị Lan tự theo dõi sức khỏe, tự đo nồng độ oxy máu, tự test nhanh. Việc chờ đợi bác sĩ hay nhân viên y tế liên hệ hỏi thăm, tư vấn là vô vọng.

May mắn, chị chỉ bị mất khứu giác và không ai bị chuyển nặng. Sau nhiều lần cố gắng liên lạc, chị Lan mới gặp được nhân viên y tế. Người này lấy thông tin và đề nghị người nhà chị ra trạm y tế lấy túi thuốc A-B.

Để nhận được giấy xác nhận F0 đã hoàn thành tự cách ly, chị Lan phải đến trạm y tế làm lại xét nghiệm. Khi đó, trạm rất đông, người dân chờ đợi. Cả ba F0 trong gia đình chị đều âm tính.  

Một ngày sau, trạm y tế gọi điện thông báo có nhầm lẫn vì kết quả que test bị mờ. Gia đình lại đưa nhau ra trạm, dù đã tốn hơn 1 triệu đồng mua que test tại nhà.

Theo chị Lan, điều mà chị và các F0 trông đợi, là được quan tâm, theo dõi, phòng ngừa khi trở nặng. Nhưng trải nghiệm của chị lại không được như cam kết của ngành y tế.

“Không khai báo thì bảo người dân không trung thực. Nếu khai báo như tôi, chỉ ôm thêm bực tức và phiền phức vào người thì không F0 nào muốn khai báo y tế cả”, chị Lan trải lòng.

{keywords}
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM giám sát dịch tại quận 12 vào ngày 7/11 vừa qua.

Ông Phạm Văn Được, Trưởng trạm Y tế phường Thạnh Lộc, quận 12 xác nhận có một số trường hợp như phản ánh.

Theo Trưởng trạm y tế phường Thạnh Lộc, hiện trạm có 4 nhân viên và đang theo dõi gần 1.000 F0 trên địa bàn. Ngay thời điểm phóng viên liên hệ, ông Phạm Văn Được cùng đồng nghiệp đang thực hiện khám nghĩa vụ quân sự, chỉ còn 1 bác sĩ trực tại trạm.

Để chăm sóc F0, nhân viên trạm sẽ tư vấn qua điện thoại, trong trường hợp quá bận rộn, không thể xuống tận nhà bệnh nhân.

Để cung cấp thuốc cho F0, Trạm y tế phường Thạnh Lộc sẽ gửi thuốc cho đại diện khu phố, tổ dân phố. Nếu trong gia đình F0 có người âm tính, người này sẽ lên trạm nhận túi thuốc điều trị Covid-19. 

“Với địa bàn có cả ngàn ca bệnh, trạm y tế chỉ có 4 người thì rất khó. Đến hôm qua, phường mới được bổ sung thêm trạm y tế lưu động để hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà”, Trạm trưởng Trạm y tế phường Thạnh Lộc, quận 12 chia sẻ.

Quận 12 cũng là địa phương đang có số F0 cách ly tại nhà cao nhất của TP, tính đến ngày 9/11.

F0 cách ly tại nhà phải có thuốc trong 24 giờ

Ngày 8/11, anh N.V.T có triệu chứng sổ mũi, đau họng, kết quả test nhanh dương tính. Sau nhiều lần liên hệ, trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cho biết sẽ cử nhân viên đến hỗ trợ gia đình. Thế nhưng, phải nhiều lần giục giã, 2 ngày sau, y tế phường mới có mặt.

Anh T. đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, triệu chứng không nặng, nên có thể mức độ quan tâm như vậy là vừa phải.

“Họ cũng không thăm khám gì thêm, phát thuốc và cách ly 14 ngày. Có thể y tế phường đã quá tải, mình cũng thông cảm. Nhưng nếu như Trạm cho F0 xét nghiệm PCR thì chúng tôi sẽ yên tâm hơn. Test nhanh thì người dân tự làm được”, anh T. cho biết.

{keywords}
Trước đây, Trạm y tế lưu động do quân y phụ trách sẽ chăm sóc F0 tại nhà.

Những câu chuyện như chị Lan hay anh T. không hiếm gặp vào lúc này. Đó là lý do Sở Y tế TP.HCM vừa ra văn bản chấn chỉnh công tác chăm sóc F0 tại nhà. Trong đó yêu cầu trong vòng 24 giờ tiếp nhận, F0 phải được cấp túi thuốc điều trị Covid-19.  

Đồng thời, tất cả trạm y tế phường xã và trạm y tế lưu động phải phân công trực đường dây nóng 24/7 để giải đáp các thắc mắc của người dân. Đặc biệt là tư vấn, khám chữa bệnh tại nhà cho F0.

Sở Y tế cũng yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân, đơn vị nếu người dân không liên hệ được số điện thoại đường dây nóng, không được cấp phát túi thuốc, hoặc túi thuốc không đúng thành phần.

Thực tế trước đây, F0 tại nhà được theo dõi bởi trạm y tế lưu động và y tế phường xã. Khi dịch bệnh tại TP.HCM được kiểm soát, lực lượng quân y rút quân dần. Các trạm lưu động giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên hiện tại, F0 cách ly tại nhà đang tăng cao ở nhiều địa phương. Tính đến ngày 9/11, quận 12 có 9.488 ca, TP Thủ Đức 6.554 ca; huyện Hóc Môn 6.406 ca; huyện Bình Chánh 3.888 ca; quận Gò Vấp 2.631 ca; quận Tân Phú 2.149 ca; quận Bình Tân 1.939 ca và huyện Nhà Bè 771 F0 cách ly tại nhà.

Sở Y tế đã khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động và các tổ phản ứng nhanh. Trong ngày 9/11, 33 trạm được thiết lập, tăng cường các bác sĩ của địa phương thay cho bác sĩ quân y. Trước đó, 40 trạm được bổ sung tại huyện Hóc Môn. 

Linh Giao

Quy trách nhiệm nếu F0 không có túi thuốc điều trị Covid-19

Quy trách nhiệm nếu F0 không có túi thuốc điều trị Covid-19

Sở Y tế yêu cầu phải quy định trách nhiệm nếu F0 cách ly tại nhà và cơ sở cách ly không được cấp túi thuốc Covid-19 trong 24 giờ.