Trao đổi với VietNamNet, ThS.BS Huỳnh Thị Kim Nga, một trong những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân 1536 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thông tin, bệnh nhân đã cai được ECMO ngày thứ 2, hiện đang tập cai thở máy, kết hợp phục hồi chức năng hô hấp, vận động.

BS Nga công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Đến sáng 1/3, bệnh nhân đã hết sốt, mạch và huyết áp ổn định, nồng độ bão hoà oxy trong máu đạt 99%. Chức năng tim, gan, thận, phổi… vẫn còn suy nhưng đã có cải thiện khả quan hơn trước, chức năng đông máu được cải thiện.

Trong đó phổi bệnh nhân vẫn đang phải dẫn lưu dịch nhưng trao đổi oxy khá tốt, thận vẫn đang được lọc máu liên tục, bệnh nhân chưa có nước tiểu.

Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm 5 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2.

{keywords}

Bệnh nhân 1536 điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng khi đang tập cai ECMO. Ảnh: K.Nga

Theo BS Nga, bệnh nhân 1536 vào viện từ ngày 14/1, đã có lúc nguy kịch tưởng không qua khỏi, các y bác sĩ đã chuẩn bị sẵn mẫu giấy báo cáo tử vong… song với tinh thần còn nước còn tát, nhờ sự kiên trì, nỗ lực từng giờ, từng phút của tất cả bác sĩ, điều dưỡng, đến nay bắt đầu thấy được những tia sáng le lói.

Đến nay bệnh nhân 1536 đã được hội chẩn quốc gia 6 lần, được áp dụng tất cả các trang thiết bị hiện đại nhất, dinh dưỡng tốt nhất, thuốc tốt nhất, trong đó có nhiều thuốc hiếm được huy động.

BS Nga thông tin, trước đây bệnh nhân 91 phải dùng thuốc chống đông chuyển từ Singapore về do trong nước không sản xuất.

Với ca bệnh 1536 cũng phải dùng nhiều thuốc hiếm nhưng may mắn do đợt dịch trước, Việt Nam đã có chuẩn bị và dự trù nên không phải chuyển từ nước ngoài về, trong đó có thuốc tăng cường hệ miễn dịch, thuốc bồi phụ mất protein ở bệnh nhân suy kiệt lâu ngày, suy dinh dưỡng mạn tính. Các thuốc này chứa thành phần immunoglobulin hoặc albumin.

Dù đã có những hy vọng bước đầu, song BS Nga nhận định vẫn chưa thể nói trước được tình trạng bệnh nhân sắp tới do bệnh nhân đã lớn tuổi, nhiều bệnh nền mạn tính như suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng mạn…

Theo BS Nga, với những bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền như này, nếu không mắc Covid-19 cũng có thể gặp biến chứng bệnh nền rồi tử vong.

Vấn đề đáng lo nhất với bệnh nhân 1536 hiện nay là nguy cơ nhiễm trùng bội nhiễm do bệnh nhân này từng nhiễm trùng, đã dùng phối hợp rất nhiều kháng sinh mạnh, nếu tiếp tục bùng đợt nhiễm trùng mới, điều trị sẽ rất khó khăn.

Ca bệnh 1536 là nữ, 79 tuổi, từ Mỹ về Đà Nẵng ngày 13/1. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CovV-2 ngày 14/1, chuyển vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị.

Bệnh nhân này có cơ thể gầy yếu trên nền bệnh tăng huyết áp và tiểu đường, suy tim.

Ngày 19/1, bệnh nhân bắt đầu suy hô hấp, 2 ngày sau phải thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO. Đến ngày 28/2, bắt đầu ngừng ECMO.

Thúy Hạnh

 

Việt Nam ghi nhận ca bệnh Covid-19 nặng hơn phi công Anh

Việt Nam ghi nhận ca bệnh Covid-19 nặng hơn phi công Anh

Bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng đang trong tình trạng rất nguy kịch, diễn biến nặng hơn ca bệnh 91 là phi công người Anh trước đây.